KYC là gì? Tầm quan trọng của KYC trong lĩnh vực tài chính Update 11/2024

KYC là gì?

KYC (viết tắt của từ Know Your Customer nghĩa là Biết khách hàng của bạn) là các bước được thực hiện để:

  • Xác minh danh tính khách hàng
  • Hiểu bản chất hoạt động của khách hàng (mục tiêu chính là đảm bảo rằng nguồn tiền của khách hàng là hợp pháp)
  • Đánh giá rủi ro rửa tiền liên quan đến khách hàng đó nhằm mục đích giám sát các hoạt động của khách hàng

Quá trình này sẽ được thực hiện trong lần gặp đầu tiên của doanh nghiệp và khách hàng khi khách hàng có nhu cầu thực hiện giao dịch tại doanh nghiệp đó. Việc xác minh được thực hiện thông qua sự hiện diện trực tiếp của khách hàng và sự đối chiếu thông tin khách hàng khai báo với các giấy tờ được cung cấp.

Mục đích cuối cùng của KYC là xác nhận với mức độ đảm bảo cao, rằng khách hàng là chính họ và họ không có khả năng tham gia vào hoạt động tội phạm. KYC được bắt buộc đối với một số tổ chức, chủ yếu là các tổ chức tài chính nhưng đối với các doanh nghiệp khác tự nguyện thực hiện các thủ tục KYC, đó là một tín hiệu quan trọng cho thấy doanh nghiệp đó đáng tin cậy và quan tâm đến việc bảo vệ khách hàng của mình.

KYC là gì?

KYC là gì?

KYC xuất hiện khi nào?

KYC là hoạt động đã xuất hiện từ lâu nhưng nó chính thức được biết đến sau sự kiện 11 tháng 9 – một loạt bốn cuộc tấn công khủng bố có sự tham gia của nhóm khủng bố Hồi giáo Wahhabi Al-Qaeda nhằm chống lại Hoa Kỳ. 

Từ khi nhận ra các tên khủng bố được tài trợ bởi nguồn tiền bẩn cho kế hoạch 11 tháng 9, ngân hàng và cơ quan quản lý tại Hoa Mỹ đã ban hành những quy định chặt chẽ về việc xác minh danh tính khách hàng nhằm mục đích hạn chế hoạt động chuyển và nhận tiền tài trạng cho các hoạt động phạm pháp như khủng bố và các hoạt động liên quan đến rửa tiền. Quy trình KYC đã được giới thiệu vào năm 2001 như một phần của Đạo luật Yêu nước. Chúng đã được củng cố hơn nữa vào năm 2016 bởi các phán quyết của Mạng lưới Thực thi Tội phạm Tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Hoa Kỳ về đánh giá khách hàng (Customer Due Diligence – CDD)

Trên toàn cầu, các quy định về bảo vệ dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực vào tháng 5 năm 2018. Các quy định này đã hạn chế đáng kể cách các tổ chức thu thập và quản lý dữ liệu khách hàng. Các quy định về bảo vệ dữ liệu cùng với chỉ thị về Chỉ thị Dịch vụ Thanh toán (PSD2) của EU tạo ra những rào cản bổ sung cho các tổ chức trong việc đáp ứng các quy trình chống rửa tiền và đánh giá khách hàng trong khuôn khổ tuân thủ KYC.

Tầm quan trọng của KYC

Các vấn đề liên quan đến tài trợ khủng bố, rửa tiền và các chương trình tham nhũng bất hợp pháp khác đang trở nên phổ biến, các chính sách KYC trở thành một công cụ quan trọng để chống lại các giao dịch bất hợp pháp trong lĩnh vực tài chính quốc tế. KYC cho phép các công ty tự bảo vệ mình bằng cách đảm bảo rằng họ đang kinh doanh hợp pháp và với các tổ chức hợp pháp, đồng thời nó cũng bảo vệ những cá nhân có thể bị tổn hại bởi tội phạm tài chính.

Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (Financial Action Task Force, viết tắt là FATF) ước tính rằng trong năm 2009, số tiền thu được từ các quỹ bất hợp pháp được tạo ra từ buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức lên tới 3,6% GDP toàn cầu, với 2,7% (hoặc 1,6 nghìn tỷ USD) được “rửa” để che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của chúng. Trên hết, thiệt hại của doanh nghiệp từ các giao dịch trực tuyến gian lận dự kiến ​​sẽ lên tới 25,6 tỷ đô la vào năm 2020, theo Juniper Research.

Thêm vào đó là vô số thông tin nhận dạng được lưu trữ trực tuyến và tạo ra một mỏ vàng cho những kẻ lừa đảo. Danh tính kỹ thuật số hoạt động như một đơn vị tiền tệ trên web, với dữ liệu cụ thể ví dụ: địa chỉ email, mật khẩu, số thẻ tín dụng… Những kẻ xấu sẽ khai thác thông tin có được và sử dụng dữ liệu nào vào các mục đích xấu. 

Để giảm thiểu hoạt động phạm pháp của tội phạm tài chính đồng thời bảo vệ danh tiếng thương hiệu của các tổ chức tài chính thì việc xác minh danh tính khách hàng thông qua việc sử dụng KYC là rất quan trọng.

KYC có vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính - kinh tế

KYC có vai trò quan trọng trong lĩnh vực tài chính – kinh tế

Đối tượng áp dụng quy định KYC

KYC là một thủ tục quan trọng và gần như là bắt buộc với các tổ chức tài chính và tổ chức phi tài chính. Vì nó giảm thiểu rủi ro gian lận, bằng cách xác định các yếu tố đáng ngờ sớm hơn trong mối quan hệ khách hàng và doanh nghiệp. Quy trình KYC thường áp dụng cho các khách hàng là:

  • Cá nhân hoặc tổ chức duy trì tài khoản hoặc có mối quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp
  • Người thụ hưởng của các giao dịch được thực hiện bởi các hoạt động trung gian thương mại như môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm…
  • Bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào được kết nối bởi một giao dịch tài chính 

Trong lĩnh vực ngân hàng, các khách hàng của quy trình KYC là những người có nhu cầu thực hiện một trong các giao dịch như mở tài khoản ngân hàng, mở tài khoản thẻ tín dụng, mở tài khoản chứng khoán, mở tài khoản ngân hàng trực tuyến, mở tài khoản đăng ký mua bảo hiểm…

Hầu hết các giao dịch mở tài khoản đều phải tuân thủ theo quy định của KYC, đặc biệt là tài khoản ngân hàng thì yêu cầu của KYC sẽ cao hơn so với các tài khoản giao dịch khác. Các ngân hàng cần định danh khách hàng nhằm theo dõi hoạt động tín dụng, theo dõi các giao dịch chuyển, nhận tiền của cá nhân, tổ chức, đảm bảo khả năng truy vết nguồn tiền nhanh chóng, chính xác khi cần thiết.

Quy trình thực hiện KYC

– Nhiều tổ chức tài chính bắt đầu thực hiện các thủ tục KYC (xác minh danh tính khách hàng) bằng cách đơn giản thu thập dữ liệu và thông tin cơ bản về khách hàng của họ. Các mẫu thông tin như tên, ngày sinh, địa chỉ… rất hữu ích khi xác định xem một cá nhân có liên quan đến tội phạm tài chính hay không.

Các tài liệu cần dùng cho quy trình KYC bao gồm:

  • Thẻ CCCD/Hộ chiếu còn hiệu lực: các giấy tờ này phải có hiệu lực, có thông tin rõ ràng, không được có dấu hiệu tẩy xóa, ảnh chân dung rõ nét
  • Sổ hộ khẩu/Sổ tạm trú, bảng lương, hợp đồng lao động, bằng lái xe… đây là các giấy tờ khách hàng cần cung cấp khi có nhu cầu vay vốn, mở thẻ tín dụng.

Lưu ý: Khách hàng cần mang theo bản gốc các giấy tờ trên khi thực hiện giao dịch với các tổ chức tài chính. Trước khi thực hiện giao dịch, các tổ chức tài chính sẽ đối chiếu thông tin khách hàng đã khai báo với giấy tờ khách hàng sở hữu để đảm bảo tính chính xác.

– Khi dữ liệu cơ bản này được thu thập, các ngân hàng thường so sánh nó với danh sách các cá nhân được biết đến với hành vi tham nhũng, bị nghi ngờ có liên quan đến tội phạm hoặc có nguy cơ cao tham gia hối lộ hoặc rửa tiền.

– Từ đó, ngân hàng sẽ xác định mức độ rủi ro mà khách hàng của họ có thể gặp phải và khả năng họ tham gia vào hoạt động tham nhũng hoặc bất hợp pháp. Khi tính toán này đã được thực hiện, ngân hàng có thể đưa ra một vài dự đoán về tài khoản của khách hàng đó sẽ như thế nào trong tương lai gần. Sau đó, ngân hàng sau đó có thể theo dõi hoạt động tài khoản của khách hàng một cách nhất quán và đảm bảo rằng không có gì khác thường hoặc đáng ngờ.

KYC và trải nghiệm khách hàng

Việc xác minh danh tính của khách hàng theo KYC cũng có bất cập như: thời gian chờ đợi lâu gây tốn kém cho các ngân hàng và gây khó chịu cho khách hàng trong việc thực hiện các giao dịch. Trên thực tế, nghiên cứu của Signicat cho thấy hơn 50% khách hàng ngân hàng bán lẻ ở châu Âu đã từ bỏ việc đăng ký các dịch vụ tài chính mới. Nguyên nhân hàng đầu là do quá trình này mất quá nhiều thời gian và quá phức tạp. 

Do đó, thách thức mà mọi doanh nghiệp phải đối mặt là làm thế nào để rút ngắn thời gian KYC, mang lại trải nghiệm tích cực cho khách hàng. Việc sử dụng công nghệ để định danh trực tuyến là rất cần thiết.

Nên rút ngắn thời gian KYC

Nên rút ngắn thời gian KYC

KYC trong lĩnh vực ngân hàng

Nhận biết khách hàng (KYC) là yêu cầu bắt buộc đối với ngân hàng khi khách hàng đăng ký sử dụng sản phẩm, dịch vụ. 

Trong lĩnh vực ngân hàng, KYC là quá trình thu thập toàn bộ thông tin của khách hàng trước khi thực hiện các giao dịch như mở tài khoản, cho vay… Các thông tin mà ngân hàng cần thu thập bao gồm:

  • Thông tin cá nhân: Họ tên, ngày sinh, quê quán, tình trạng hôn nhân…
  • Thông tin về thu nhập: Công việc hiện là gì? Làm việc tại công ty nào? Thu nhập hiện tại là bao nhiêu? Ngoài thu nhập từ lương còn có nguồn thu nhập nào khác không?…

Sau khi đã có dữ liệu xác minh của khách hàng, ngân hàng sẽ đối chiếu được cung cấp với cơ sở dữ liệu nội bộ và bên thứ 3 để đánh giá rủi ro, chấm điểm tín dụng và xác thực thông tin. Ngân hàng xác minh KYC của khách hàng nhằm mục đích ngăn chặn việc đánh cắp thông tin, mạo danh thông tin của người khác để thực hiện các hình vi lừa đảo, rửa tiền. Đó là những yếu tố quan trọng giúp ngân hàng đưa ra quyết định chấp nhận hoặc từ chối việc thực hiện giao dịch với khách hàng.

Nếu như trước đây, các ngân hàng định danh khách hàng bằng việc gặp mặt trực tiếp và thông qua đối chiếu chứng từ gốc thì hiện nay hầu hết các ngân hàng đều sử dụng giải pháp định danh điện tử eKYC giúp ngân hàng định danh khách hàng bằng phương thức điện tử mà không cần gặp mặt. Thay vì phải đến trực tiếp ngân hàng để làm các thủ tục xác minh thông tin, khách hàng có thể định danh ngay tại nhà với một chiếc smartphone có kết nối internet thông qua ứng dụng mà ngân hàng cung cấp. Nhờ eKYC mà khách hàng sẽ tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí đi lại… mà vẫn có thể mở tài khoản để thực hiện các giao dịch tài chính.

Như vậy, tại các ngân hàng việc nhận biết khách hàng truyền thống đã dần được thay thế định danh điện tử. Đây là sự chuyển hướng phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.