Lạm phát là vấn đề tác động tới tất cả mọi người trong xã hội. Ở Việt Nam, những năm bắt đầu đổi mới (1986) đã từng xảy ra lạm phát phi mã không thể kiềm chế được và kết cục là nhà nước đã quyết định đổi tiền. Vậy lạm phát là gì? Khi nào thì việc đổi tiền sẽ xảy ra? Muốn giảm thiểu tác động, ảnh hưởng của lạm phát thì cần phải làm gì?
Nội dung bài viết này sẽ mang tới cho bạn phần nào câu trả lời, giải pháp cho vấn đề lạm phát.
Lạm phát là gì?
Lạm phát là gì?
Hiểu một cách đơn giản thì lạm phát là sự mất giá của đồng tiền. Hàng ngày, bạn thường nghe trên tivi các vấn đề như giá thịt tăng, giá xăng tăng, tăng viện phí…Điều này có nghĩa là với cùng một số tiền bạn có thì trong tương lai bạn sẽ mua được ít hàng hóa hơn so với hiện tại.
Ví dụ kinh điển nhất có thể nói tới là sự mất giá của VNĐ so với vàng. Đầu những năm 1990, một chỉ vàng có giá chỉ khoảng vài trăm nghìn. Tới thời điểm hiện tại, một chỉ vàng có giá tới hơn 3 triệu. Như vậy để cùng mua 1 chỉ vàng thì hiện tại bạn phải bỏ ra số tiền gấp nhiều lần đầu những năm 1990. Hay vấn đề giá đất đai tăng chóng mặt cũng một phần phản ánh tác động của lạm phát.
Nguyên nhân của lạm phát là gì?
Trước tiên, bạn cần hiểu tới khái niệm cung và cầu và ảnh hưởng của nó tới giá hàng hóa. Giá hàng hóa thường biến động khi cung/ cầu thay đổi. Ví dụ một nguyên khiến cung sụt giảm (ví dụ như khi thiên tai, hạn hán…) thường khiến giá hàng hóa tăng lên. Trường hợp này thì sau khi thời tiết trở lại bình thường, cung hàng hóa tăng lên đáp ứng được nhu cầu thì giá sẽ lại giảm đi. Ví dụ tương tự là khi gần tết nhu cầu tiêu dùng (thời vụ) tăng lên khiến giá hàng hóa một số mặt hàng tăng lên, nhưng sau tết thì giá lại giảm đi.
Vấn đề là những thay đổi đột ngột trong cung, cầu ngắn hạn này thường ít khi dẫn tới lạm phát mà nó chỉ làm giá cả hàng hóa biến động đôi chút trong một khoảng thời gian nhất định thôi.
Vậy nguyên nhân chính của lạm phát là gì?
Hầu hết các nhà kinh tế học trên thế giới đồng ý với quan điểm rằng nguyên nhân chính của lạm phát là do chính phủ in tiền quá nhiều. Các chính phủ thường hoạt động kém hiệu quả, luôn thâm hụt ngân sách, vay nợ lớn, tham nhũng…dẫn đến thu thường không đủ bù chi hàng năm. Vì vậy, các chính phủ thường âm thầm in thêm tiền để tài trợ cho các khoản chi tiêu của chính phủ.
Tiền in ra được đưa vào lưu thông khiến lượng tiền tăng lên. Khi lượng tiền trong nền kinh tế tăng lên thì nhìn chung mọi người đều giàu hơn và có nhiều nhu cầu mua sắm, chi tiêu hơn. Vấn đề là trong ngắn hạn thì nguồn cung hàng hóa không thay đổi đáng kể, mà chính phủ in quá nhiều tiền thì tạo áp lực lớn tới giá cả, làm giá hàng hóa tăng lên và sinh ra lạm phát.
Sự thật về lạm phát ở Việt Nam từ 1996 – 2017
Biểu đồ dưới đây mô tả lạm phát ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua. Dữ liệu được lấy từ nguồn Ngân hàng thế giới (World Bank). Nhìn hình này thì bạn có thể hình dung như sau, đó là năm 1996 bạn có 1 triệu đồng. Nếu 1 triệu này bạn không làm gì thì giá trị của nó tự động bị giảm xuống mỗi năm do giá hàng hóa không ngừng tăng lên.
Đến năm 2018 bạn vẫn còn 1 triệu đồng trong tay. Tuy nhiên nếu năm 2018 bạn mang 1 triệu này đi mua đồ thì số hàng hóa (gạo, xăng, thịt, sữa…) chỉ mua được lượng hàng hóa tương đương với việc bạn mang 258.000đđi mua hàng hóa vào năm 1996. Tiền đã bị mất giá hơn 3 lần trong thời gian từ 1996 – 2017.
Lạm phát làm bạn nghèo đi 3,9 lần sau 22 năm
Vì tiền để không thì sẽ bị lạm phát nên hầu hết mọi người đều sẽ mang tiền gửi ngân hàng. Đáng buồn là rất nhiều năm, lạm phát ở Việt Nam còn cao hơn lãi suất tiết kiệm. Ví dụ năm 2005 (lạm phát 8,28%), năm 2011 (lạm phát 23,12%), năm 2011 (lạm phát 18,68%) khiến việc bạn gửi tiền có lãi suất âm.
Lãi suất thực khi gửi tiền vào ngân hàng từ 1996 – 2017
Cũng theo số liệu từ World Bank (Ngân hàng thế giới) thì lãi suất thực của Việt Nam trong giai đoạn từ 1996 – 2017 đạt trung bình chỉ 3,1%/năm. Đây là kết quả tăng trưởng thực (về sức mua) khi bạn mang tiền gửi ngân hàng.
Làm gì để tránh lạm phát?
Lạm phát là sự tăng giá của hàng hóa. Chính vì vậy mà một cách được chấp nhận rộng rãi và có tính thực tế cao để tránh lạm phát là thay vì giữ tiền thì bạn hãy đầu tư. Những hàng hóa được đầu tư nhiều và được đánh giá là có khả năng tránh lạm phát tốt gồm có Vàng, Bất động sản, Ngoại tệ mạnh (vì VNĐ thường mất giá so với các đồng tiền khác), chứng khoán mà cụ thể ở đây là cổ phiếu.
Nếu bạn có năng lực thì việc đầu tư vào cổ phiếu chắc chắn là lựa chọn hàng đầu trong việc tránh rủi ro lạm phát. Bạn có thể lựa chọn một danh mục từ 10 – 20 cổ phiếu để đầu tư. Làm cách này là bạn đã đa dạng hóa rủi ro hơn so với cách chỉ đầu tư vào 1-2 cổ phiếu. Bên cạnh đó, khi doanh nghiệp làm ăn tốt thì lãi đầu tư của bạn có thể lớn hơn rất nhiều so với gửi ngân hàng. Trong những bài viết khác mình sẽ nói chi tiết hơn về hình thức đầu tư này.
Hy vọng là qua bài viết này, bạn đã nắm bắt hiểu rõ được lạm phát là gì và những rủi ro khi bạn giữ tiền.