Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là gì?
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là lãi suất được trả cho việc sở hữu trái phiếu do chính phủ Mỹ phát hành bằng nội tệ của Mỹ và ngoại tệ.
Hiểu một cách đơn giản, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ chính là tổng lợi nhuận nhà đầu tư nhận được khi đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ.
Trong lợi suất trái phiếu chính phủ nói chung và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ nói riêng, sẽ có nhiều loại lợi suất trái phiếu. Chẳng hạn như:
- Lợi suất danh nghĩa: Phần lãi chia cho mệnh giá trái phiếu
- Lợi suất thực: Thu nhập hàng năm của trái phiếu chia cho giá thị trường hiện tại của nó.
- Lợi suất yêu cầu: Là mức lợi suất mà tổ chức phát hành trái phiếu phải cung cấp để thu hút các nhà đầu tư.
Xem thêm: Lợi suất trái phiếu là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là lãi suất cho người sở hữu trái phiếu chính phủ Mỹ
Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ
Lợi suất trái phiếu chính phủ hay lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ đều chịu tác động của một số yếu tố cơ bản sau đây:
- Uy tín tín dụng của chính phủ phát hành, cụ thể là chính phủ Mỹ
- Giá trị của đồng tiền phát hành trên thị trường hối đoái
- Sự ổn định của chính phủ phát hành (ở đây là chính phủ Mỹ)
Tình hình lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ
Chính phủ là một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào nền kinh tế, bởi vậy lợi suất trái phiếu chính phủ được xem là một thông số hữu ích trong việc đánh giá sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia.
Các nhà kinh tế khi đánh giá quỹ đạo của một nền kinh tế đều rất chú trọng và sử dụng lợi suất trái phiếu chính phủ để đưa ra đánh giá. Thông thường khi các nhà đầu tư bán trái phiếu chính phủ, giá giảm và lợi suất tăng. Nếu lợi suất của một trái phiếu cao hơn nhiều so với giá khi nó được phát hành thì có khả năng là chính phủ phát hành bị căng thẳng về tài chính, rủi ro không trả được vốn có thể xảy ra.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ có mối quan hệ nghịch chiều với giá của nó. Có nghĩa là khi lợi suất trái phiếu tăng, giá sẽ giảm, vì khi đó người mua trái phiếu phải trả lãi suất cao hơn. Điều này khiến cho trái phiếu đó trở nên kém hấp dẫn, giá trái phiếu giảm và ngược lại. Khi đường cong lợi suất TPCP đi lên thể hiện kỳ vọng của nhà đầu tư về một nền kinh tế sẽ đi lên, phục hồi tốt hơn và ngược lại.
Thị trường Mỹ những tháng đầu năm 2021 đang ở chiều hướng đường cong lợi suất TPCP đi lên. Bạn có thể xem diễn biến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm sau đây để nắm qua về lợi suất TPCP Mỹ qua các giai đoạn.
(Ảnh chụp từ chuyên trang Đầu tư chứng khoán)
Theo các phân tích của TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, số liệu ghi nhận vào tháng 3/2021, đường cong lợi suất TPCP Mỹ ở các kỳ hạn đều đi lên và ngày càng dốc hơn. Điều này chứng tỏ kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi mạnh trong năm nay. Moody’s dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2021. Lợi TPCP tăng lên vừa thể hiện lạm phát kỳ vọng tăng, vừa cho thấy kỳ vọng về kinh tế Mỹ tăng trưởng cao hơn.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2021 thông tin cho thấy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lại sụt giảm. Đến tháng 8/2021, thống kê cho thấy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và thúc đẩy nhóm cổ phiếu tài chính và các lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế phục hồi diễn biến vượt trội thị trường chung.
Nói về việc lợi suất TPCP Mỹ tăng, các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến việc Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa cũng như Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép đầy đủ cho vaccine Covid-19… Điều này khiến giới phân tích dự đoán và có những triển vọng về sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ, sau những ảnh hưởng của dịch bệnh từ năm 2020 đến nay.
Tác động của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đến thị trường Việt Nam
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là yếu tố có sự ảnh hưởng đến thị trường tài chính của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực trên chuyên trang Đầu tư chứng khoán (chuyên trang của báo Đầu tư), lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sẽ có tác động đến thị trường tài chính Việt Nam, thể hiện rõ nhất qua các khía cạnh sau:
- Tác động đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam qua các kênh thương mại và đầu tư. Theo đó, triển vọng kinh tế Mỹ phục hồi mạnh sẽ tạo đà phục hồi cho kinh tế toàn cầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu của Việt Nam, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam do tổng cầu tăng. Điều này đặc biệt cần thiết khi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
- Lạm phát kỳ vọng tăng và kinh tế phục hồi sẽ khiến ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đi đến quyết định giảm cung tiền, sau đó là tăng lãi suất cơ bản. Điều này khiến mặt bằng lãi suất tăng, chi phí vay vốn và trả nợ nước ngoài tăng. Ngoài ra việc các nước giảm nới lỏng định lượng sẽ làm giảm dòng tiền rẻ, tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán.
- Lãi suất USD tăng, kết hợp với đà phục hồi tích cực của kinh tế Mỹ sẽ khiến USD tăng giá trở lại. Từ đó tác động nhất định đến tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên sự tác động này sẽ có mức độ do Việt Nam đã điều hành cơ chế tỷ giá trung tâm và quan hệ cung – cầu ngoại tệ.
- Khi kinh tế Mỹ phục hồi tốt và lãi suất tại Mỹ tăng, dòng vốn đầu tư có thể dịch chuyển về Mỹ. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh và các chính sách đầu tư, nguồn nhân lực của Mỹ.
Có thể thấy dù có những tác động ở các khía cạnh nói trên nhưng về cơ bản sự tác động là không quá nhiều. Việt Nam vẫn cần theo dõi lạm phát, chính sách tiền tệ, tài khóa của Mỹ để có những đánh giá và đưa ra các động thái phù hợp nhất đối với nền kinh tế của Việt Nam.
Trên đây là các thông tin liên quan đến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, hy vọng với những thông tin này bạn đã hiểu về lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ – một trong những chỉ số kinh tế quan trọng và có tác động đến thị trường của nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam.