Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2020/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán, trong đó có những thay đổi về quy định mua bán chứng khoán T0, mở đường cho thị trường chứng khoán phát triển hơn. Tuy nhiên, song song với đó cũng dấy lên những quan ngại về mối quan hệ giữa T0 và bán khống trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giao dịch chứng khoán T+0 là gì?
Giao dịch chứng khoán T0 (tiếng Anh gọi là Daytrading) là giao dịch chứng trong ngày, được quyền thanh toán trong ngày giao dịch. Với cơ chế giao dịch trong ngày, nhà đầu tư sẽ được linh hoạt mua/bán cùng 1 loại chứng khoán nhiều lần trong ngày với mục đích đầu cơ kiếm lợi nhuận hoặc hạn chế rủi ro vì biến động giá chứng khoán.
Đối với giao dịch được thực hiện trong ngày, vào cuối ngày chốt phiên, tất cả các vị thé nắm giữ chứng khoán được nhà đầu tư đối trừ (offset) với nhau, vì vậy không phát sinh nghĩa vụ thanh toán chứng khoán. Nhà đầu tư chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán bằng tiền trong trường hợp bị lỗ hoặc được nhận tiền khi lãi.
Về bản chất, giao dịch T+0 là sự đối trừ về nghĩa vụ mua/bán chứng khoán cùng loại. Vì vậy, giao dịch T+0 sẽ khác hoàn toàn với quy định về thời gian thanh toán giao dịch mà nhiều thị trường hiện nay đang áp dụng: T+1 (thanh toán giao dịch vào ngày sau ngày giao dịch) hay T+2 (thanh toán giao dịch vào ngày thứ 2 sau ngày giao dịch).
Hiện tại, trong thị trường chứng khoán, giao dịch T+0 ở chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh cũng có sự khác nhau:
- Với thị trường cơ sở, giao dịch T+0 là ngày ghi nhận giao dịch, ngày thanh toán có thể là T+1, T+2, T+3.
- Với thị trường phái sinh, giao dịch T+0 ghi nhận giao dịch và nhà đầu tư có thể mua bán liên tục trong ngày.
Giao dịch T0 là gì?
Sự khác biệt này do hàng hóa của 2 thị trường này: Hàng hóa của chứng khoán cơ sở là hàng hóa giao dịch, các loại cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư. Còn với chứng khoán phái sinh, sản phẩm là Hợp đồng tương lai, Hợp đồng quyền chọn hay Hợp đồng kỳ hạn được thiết kế dựa trên hàng hóa của thị trường cơ sở.
Một vài đặc điểm của giao dịch chứng khoán T+0:
- Không phải mã chứng khoán nào cũng được giao dịch T+0, chỉ những mã được Công ty chứng khoán niêm yết đủ điều kiện mới được thực hiện.
- Kỹ thuật giao dịch khá phức tạp, tính rủi ro cao.
- Phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nhiều kinh nghiệm.
Xem thêm: Hướng dẫn cách đầu tư chứng khoán cơ bản
Quy định của luật pháp Việt Nam về mua bán chứng khoán T0
Trước đây, theo quy định cũ về giao dịch trong ngày T+0 được nêu trong Thông tư 203/2015/TT-BTC: Thời gian giao dịch và thanh toán của cổ phiếu trên thị trường là T+2, tức là khi mua cổ phiếu thì 2 ngày sau nhà đầu tư mới có quyền bán cổ phiếu đó.
Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 15/02/2021, khi Thông tư 120/2020/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên thị trường chứng khoán có hiệu lực. Quy tắc về giao dịch T+0 đã có sự thay đổi. Cụ thể, tại khoản 10 Điều 10 Thông tư 120 nêu rõ: “Nhà đầu tư được thực hiện các giao dịch trong ngày sau khi đã ký hợp đồng giao dịch trong ngày với công ty chứng khoán được cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải có điều khoản cho phép công ty chứng khoán thực hiện các giao dịch vay, giao dịch mua bắt buộc để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp phát sinh thiếu hụt chứng khoán để chuyển giao theo quy định pháp luật bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán. Hợp đồng giao dịch trong ngày phải nêu rõ các rủi ro phát sinh, thiệt hại và chi phí phát sinh mà nhà đầu tư phải thanh toán”.
Ngoài ra, khoản 2 Điều 10 của Thông tin này cũng quy định các nguyên tắc khi giao dịch chứng khoán T+0:
“a) Tại mỗi công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán, nhà đầu tư chỉ được mở 01 tài khoản giao dịch trong ngày. Tài khoản giao dịch trong ngày là tài khoản riêng biệt hoặc được quản lý riêng biệt hoặc được hạch toán dưới hình thức tiểu khoản của tài khoản giao dịch chứng khoán hiện có của nhà đầu tư. Công ty chứng khoán phải hạch toán tách biệt tài khoản giao dịch trong ngày với tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường và tài khoản giao dịch ký quỹ (nếu có) của từng nhà đầu tư;
b) Nhà đầu tư thực hiện các giao dịch trong ngày phải tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này, không được thực hiện các giao dịch trong ngày đối với giao dịch chứng khoán lô lẻ và giao dịch thỏa thuận;
c) Công ty chứng khoán có quyền lựa chọn mã chứng khoán có trong danh sách chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch được phép giao dịch ký quỹ tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch trong ngày cho nhà đầu tư. Danh sách các chứng khoán được giao dịch trong ngày phải được công ty chứng khoán công khai trên trang thông tin điện tử của công ty chứng khoán;
d) Nhà đầu tư có trách nhiệm đặt các lệnh giao dịch, bảo đảm tổng số chứng khoán trên các lệnh bán phải bằng với tổng số chứng khoán cùng mã trên các lệnh mua trong cùng ngày giao dịch và ngược lại. Trường hợp tổng số chứng khoán của các lệnh bán đã thực hiện nhiều hơn tổng số chứng khoán của các lệnh mua đã thực hiện hoặc ngược lại thì công ty chứng khoán có trách nhiệm thanh toán thay cho nhà đầu tư số tiền hoặc chứng khoán thiếu hụt tại ngày thanh toán;
đ) Công ty chứng khoán phải từ chối thực hiện lệnh giao dịch trong ngày của nhà đầu tư khi không thể bảo đảm có đủ tiền để thanh toán và chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán;
e) Nhà đầu tư có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thanh toán cho công ty chứng khoán mọi chi phí phát sinh liên quan tới hoạt động mua bắt buộc, vay chứng khoán, vay tiền để hỗ trợ thanh toán trong trường hợp không có đủ tiền để thanh toán, không có đủ chứng khoán để chuyển giao tại ngày thanh toán theo quy định tại hợp đồng giao dịch trong ngày đã ký với công ty chứng khoán và pháp luật liên quan;
g) Công ty chứng khoán có quyền yêu cầu nhà đầu tư ký quỹ tiền hoặc chứng khoán trước khi cho phép nhà đầu tư thực hiện giao dịch trong ngày;
h) Trong một ngày giao dịch, tổng giá trị giao dịch trong ngày (xác định trên tổng giá trị mua và giá trị bán đã thực hiện) tại mỗi công ty chứng khoán không được vượt quá một tỷ lệ theo quy định so với vốn chủ sở hữu của công ty. Khối lượng chứng khoán được giao dịch trong ngày tại mỗi công ty chứng khoán không được vượt quá một tỷ lệ theo quy định so với khối lượng chứng khoán đang lưu hành. Các tỷ lệ này thực hiện theo quy chế của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước”.
Cũng theo khoản 3 Điều 10 Thông tư 120, hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian 5 ngày làm việc, trước ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền cho cổ đông gắng mã chứng khoán được giao dịch trong ngày. Ủy ban Chứng khoán nhà nước có quyền yêu cầu tạm dừng các hoạt động giao dịch trong ngày trong những trường hợp cần thiết để ổn định thị trường. Tùy vào tình hình thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ triển khai hoạt động giao dịch trong ngày, đồng thời ban hành quy chế hướng dẫn thực hiện.
Do vậy, thị trường chứng khoán cần phải chờ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành quy chế hướng dẫn mới có thể thực hiện giao dịch trong ngày.
Những ai nên giao dịch chứng khoán T0?
Việc mua bán chứng khoán T0 là một kỹ thuật khó khăn và không phải ai cũng thực hiện được, nó dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, chiến lược và có sự tính toán kỹ càng trước khi thực hiện.
Vậy, nhà đầu tư nên giao dịch chứng khoán T0 trong những trường hợp:
- Đầu tư “lướt sóng”: Những nhà đầu tư lướt sóng thường rất kinh nghiệm và có khả năng nhìn nhận thị trường một cách nhạy bén, họ có thể mua bán chứng khoán theo biên động giá mạnh của thị trường để kiếm lợi nhuận.
- Khi nghe ngóng được một thông tin nào đó có độ chuẩn xác cao về thị trường chứng khoán, tác động đến sự tăng/giảm giá mạnh của cổ phiếu.
- Hoặc những nhà đầu tư cá nhân đang cần nguồn vốn gấp, buộc phải bán cổ phiếu để thu lại tiền.
Giao dịch T0 phù hợp với đối tượng nào?
Mối quan hệ giữa mua bán chứng khoán T0 và bán khống
So với quy định về việc giao dịch chứng khoán ở ngày T+2, nghĩa là phải sau 2 ngày thanh toán thì bạn mới được tiến hành giao dịch chứng khoán như trước đây thì việc mua bán chứng khoán T0 sẽ có những điểm lợi thế hơn:
- Giúp nhà đầu tư nhanh chóng mua/bán chứng khoán với mức giá mong muốn, tiết kiệm thời gian đợi chờ, bởi giá chứng khoán sau mỗi phiên giao dịch đều có sự biến động tăng hoặc giảm.
- Tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng có đất diễn rộng lớn hơn, việc kiếm lợi nhuận cũng có thể cao hơn.
- Tăng tính thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
- Thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, từ đó vòng quay giao dịch cũng, mang đến sức hấp dẫn lớn và sự phát triển cho thị trường.
Về mặt tích cực, giao dịch T+0 đang giúp thị trường chứng khoán khởi sắc và có tương lai phát triển tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng giao dịch T0 đang dọn đường cho bán khống chứng khoán. Ở đây, bán khống chứng khoán là hình thức bán cổ phiếu, trái phiếu mà nhà đầu tư vẫn chưa sở hữu. Họ đang bán các loại chứng khoán được vay mượn từ các nhà đầu tư khác hoặc từ chính những công ty chứng khoán.
Khi thực hiện việc bán khống này, họ dự đoán được giá chứng khoán sẽ giảm trong tương lai và lúc đó phải mua lại để hoàn trả đủ số lượng đã vay mượn. Đối với hình thức này, bản chất người có lợi nhất vẫn là Công ty chứng khoán khi họ được hưởng các loại phí dịch vụ, lãi margin. Chứ thực chất, nhà đầu tư khó có thể được hưởng một nguồn lợi cao từ việc chênh lệch giá vì còn phải cắt lại chi phí dịch vụ cho các Công ty chứng khoán.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc quan tâm đã hiểu được khái niệm mua bán chứng khoán T+0 và các quy định hiện hành liên quan. Từ đó sẽ có phương án đầu tư thông minh và đạt được lợi nhuận tốt nhất.