Nhà đầu tư là gì? Các quy định của pháp luật về nhà đầu tư Update 10/2024

Nhà đầu tư là gì?

Căn cứ Khoản 13, Điều 3, Luật đầu tư thì nhà đầu tư (tên gọi tiếng anh: Investors) là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó:

– Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Tìm hiểu thêm về nhà đầu tư nước ngoài thông qua bài viết: Các quy định của pháp luật về nhà đầu tư nước ngoài.

– Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

– Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài

Các quy định của pháp luật về nhà đầu tư

Chính sách về đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư

– Chính sách về đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư được quy định tại Điều 5, Luật đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư có quyền sau:

  • Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật đầu tư không cấm.
  • Được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật đầu tư và quy định khác của pháp luật có liên quan
  • Được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.

– Chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước với nhà đầu tư:

  • Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
  • Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
  • Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà đầu tư không được đầu tư kinh doanh ngành, nghề nào?

Theo quy định tại Điều 6, Luật đầu tư, nhà đầu tư không được đầu tư kinh doanh các ngành, nghề sau:

  • Kinh doanh các chất ma túy theo quy định Phụ lục 1 của Luật đầu tư (1)
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật đầu tư (2)
  • Kinh doanh mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định tại Phụ lục 1 của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên theo quy định tại Phụ lục 3 của Luật đầu tư (3)
  • Kinh doanh mại dâm
  • Mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người
  • Kinh doanh pháo nổ.

Lưu ý: Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm quy định tại (1), (2), (3) trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Nhà đầu tư có được đầu tư thành lập tổ chức kinh tế không?

Theo quy định tại Điều 22, Luật đầu tư, nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.

Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

– Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ quy định sau:

  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước
  • Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này thực hiện theo quy định khác của pháp luật có liên quan và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

– Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế

Nhà đầu tư được phép thành lập tổ chức kinh tế

Quy định nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần

Theo quy định tại Điều 24, Luật đầu tư, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế. 

Lưu ý: Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế thực hiện theo quy định sau:

– Quy định góp vốn: Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần
  • Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh
  • Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định trên

– Trường hợp mua cổ phần: Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:

  • Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông
  • Mua phần vốn góp của các thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn
  • Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh
  • Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định trên

Quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư

Theo quy định tại Điều 9, Luật đầu tư thì tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính. Trong trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.Vì vậy, các nhà đầu tư có thể hoàn toàn tâm về các tài sản hợp pháp mà mình đang sở hữu.

Nhà đầu tư có được chuyển nhượng dự án đầu tư không?

Theo Điều 45, Luật đầu tư, nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư cho nhà đầu tư khác khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Không thuộc một trong các trường hợp bị chấm dứt hoạt động theo quy định
  • Đáp ứng điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng dự án thuộc ngành, nghề đầu tư có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài
  • Tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản trong trường hợp chuyển nhượng dự án gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng đất
  • Điều kiện quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc theo quy định khác của pháp luật có liên quan (nếu có).

Giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh giữa các nhà đầu tư

Căn cứ Điều 14, Luật đầu tư quy định tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam của các nhà đầu tư sẽ được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định. Trong đó:

– Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam

– Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:

  • Tòa án Việt Nam
  • Trọng tài Việt Nam
  • Trọng tài nước ngoài
  • Trọng tài quốc tế
  • Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập.

– Tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp có thỏa thuận khác theo hợp đồng hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Các khái niệm liên quan đến nhà đầu tư

Nhà đầu tư f0 là gì?

Nhà đầu tư F0 là một thuật ngữ mới xuất hiện trong thời gian gần đây khi đại dịch Covid-19 bùng phát gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và nền kinh tế của các nước trên thế giới. Theo đó nhà đầu tư F0 là những người lần đầu tiếp xúc với thị trường chứng khoán.

Dưới tác động của đại dịch Covid đã khiến không ít nhà đầu tư Fn (các nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán) bị phá sản khi VN Index giảm tới 33,5%, giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm gần đây. Tại thời điểm này, cũng có gần 28.000 tài khoản mở mới nên nhiều nhà đầu tư F0 cũng phải gánh chịu cú sốc này. Từ tháng 3/2020, mỗi tháng có trung bình 33.500 nhà đầu tư mới mở tài khoản và giao dịch trên thị trường chứng khoán. Từ cuối tháng 3 – 12/2020, tất cả giá cổ phiếu đều tăng nên các nhà đầu tư dù mới tham gia cũng có lãi.

Thực tế nhà đầu tư F0 thời nào cũng có và họ là nguồn nhân lực bổ sung trong quá trình thanh lọc trên thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư F0 hiện nay không thiếu kiến thức, tài chính và sự nhiệt huyết, cái họ thiếu chỉ là kinh nghiệm.

 Nhà đầu tư F0 là gì?

Nhà đầu tư F0 là gì?

Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là gì?

Theo quy định tại Điều 11 Luật chứng khoán 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán bao gồm:

  • Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức tài chính quốc tế, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tổ chức tài chính nhà nước được mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan
  • Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch
  • Người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán
  • Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu là 02 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
  • Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 01 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả.

Ngoài ra, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm cái khái niệm về nhà đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần thông qua các bài viết sau:

Sự khác nhau giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 4, Luật đấu thầu 2013, chủ đầu tư là tổ chức sở hữu vốn hoặc tổ chức được giao thay mặt chủ sở hữu vốn, tổ chức vay vốn trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án.

Như vậy, nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân bỏ vốn để thực hiện các dự án kinh doanh. Chủ đầu tư là tổ chức trực tiếp quản lý quá trình thực hiện dự án.

Tình trạng đầu tư tại Việt Nam hiện nay

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020 đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

– Xét về tổng vốn đầu tư thì Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào nước ta. Tiếp theo là Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Vị trí thứ 3 thuộc về Trung Quốc với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam. Các quốc gia như Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông… cũng đầu tư vào nước ta với số vốn lớn. 

– Xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu với 609 dự án. Vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc với 342 dự án. Nhật Bản xếp hạng ở vị trí thứ 3 với 272 dự án.

– Khoảng 60 tỉnh, thành trên cả nước được các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư để phát triển các dự án. Trong đó, Hồ Chí Minh xếp hạng ở vị trí thứ nhất với tổng vốn đăng ký đạt 4,36 tỷ USD. Tiếp theo Bạc Liêu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD. Vị trí thứ ba là Hà Nội với gần 3,6 tỷ USD. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về các tỉnh, thành phố như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Hải Phòng… Nếu xét về số lượng dự án mới được đầu tư tại các tỉnh, thành thì Hồ Chí Minh vẫn xếp hạng vị trí số 1 với 950 dự án. Tiếp theo là Hà Nội với 496 dự án và Bắc Ninh với 153 dự án.

– Các dự án đầu tư lớn trong năm 2020:

Dự án Tỉnh/thành phố Tổng vốn đầu tư Nhà đầu tư
Dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu 4 tỷ USD Singapore
 Dự án Tổ hợp hoá dầu miền Nam Việt Nam  Bà Rịa – Vũng Tàu  Điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD (Ngày 16/1/2020)  Thái Lan
 Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây  Hà Nội  Điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD (ngày 29/6/2020)  Hàn Quốc
 Dự án Pegatron Việt Nam  Hải Phòng  481 triệu USD  Đài Loan
 Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu  Tây Ninh  300 triệu USD  Trung Quốc

 Qua số liệu thống kê trên cho thấy, Việt Nam đang là một trong các quốc gia thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. 

Trên đây là các quy định của pháp luật về nhà đầu tư. Nhà nước ta luôn có những chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh của mình.