Mỗi loại hình có những cách hạch toán đặc trưng, riêng biệt và áp dụng các chế độ kế toán khác nhau. Nhưng cho dù là hoạt động ở lĩnh vực nào thì bộ phận kế toán luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong cơ cấu tổ chức. Bài viết này xin được đề cập đến kế toán ngân hàng, và những nguyên tắc, nghiệp vụ của kế toán ngân hàng.
Kế toán ngân hàng là gì?
Kế toán ngân hàng là nghề ghi chép, phân loại, tổng hợp và giải thích các nghiệp vụ tác động đến tình hình tài chính của các ngân hàng bằng thước đo tiền tệ.
Qua đó nhằm cung cấp thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của ngân hàng, làm cơ sở cho việc ra quyết định kinh tế liên quan đến mục tiêu quản lý kinh doanh và đánh giá hoạt động của ngân hàng.
Nhiệm vụ của kế toán ngân hàng
Thu thập, ghi chép kịp thời đầy đủ và chính xác các nghiệp vụ kinh tế tài chính phát sinh theo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán. Nhằm cung cấp thông tin phục vụ cho việc tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm lãnh đạo hoạt động kinh doanh ngân hàng hiệu quả và thực thi các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước.
Ghi nhận và phản ánh thông tin. Kế toán ngân hàng có nhiệm vụ ghi nhận, phản ánh đầy đủ, chính xác và kịp thời các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong ngân hàng và các dịch vụ ngân hàng khác theo đúng chuẩn mực và chế độ kế toán. Từ đó giúp bảo vệ an toàn tài sản của ngân hàng cũng như tài sản của toàn xã hội gửi tại ngân hàng.
Kiểm tra và giám sát chặt chẽ quá trình sử dụng vốn thông qua các khoản thu chi tài chính, quá trình sử dụng tài sản của ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ở từng đơn vị ngân hàng cũng như toàn hệ thống, góp phần tăng cường kỷ luật tài chính, củng cố chế độ hạch toán kế toán của ngân hàng cũng như của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Phân tích thông tin, số liệu kế toán, tham mưu và đề xuất các giải pháp phục vụ cho yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế, tài chính trong đơn vị.
Cung cấp thông tin chính xác cho Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cho sự chỉ đạo thực thi các chính sách tiền tệ, chính sách tài chính.
Tổ chức tốt việc giao dịch với khách hàng, góp phần thực hiện tốt các chính sách của đơn vị.
Ngoài ra, cần tổ chức giao dịch, phục vụ khách hàng một cách khoa học, văn minh, lịch sự.
Đặc điểm của kế toán ngân hàng
Ngành kế toán ngân hàng có tính tổng hợp và tính xã hội cao
Kế toán ngân hàng phản ánh được đa phần các hoạt động kinh tế, tài chính của nền kinh tế thông qua các quan hệ tiền tệ, tín dụng, thanh toán…chứ không chỉ nhắc đến các hoạt động trong ngân hàng.
Ngành kế toán ngân hàng có tính giao dịch cao. Trong hoạt động nghiệp vụ hằng ngày của kế toán ngân hàng phải tiến hành đồng thời các bút toán khi có nghiệp vụ kinh tế phát sinh vào sổ kế toán ngay.
Ngành kế toán ngân hàng giúp xử lý nghiệp vụ theo quy trình công nghệ nghiêm ngặt chặt chẽ.
Ngành kế toán ngân hàng có tính kịp thời và chính xác cao. Đối tượng của ngân hàng là vốn và sự luân chuyển các nguồn vốn trong quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Nguồn vốn lại thường xuyên bị biến động nên kế toán ngân hàng đòi hỏi phải có tính kịp thời và chính xác cao.
Ngành kế toán ngân hàng có khối lượng chứng từ lớn và vô cùng phức tạp.
Nguyên tắc của kế toán ngân hàng
- Cơ sở dồn tích
Mọi nghiệp vụ kinh tế tài chính phải được ghi sổ tại thời điểm phát sinh chứ không căn cứ thời điểm thực tế thu hoặc chi.
- Hoạt động liên tục
Báo cáo tài chính phải được lập trên cơ sở giả định là một ngân hàng đang trong quá trình hoạt động và sẽ tiếp tục hoạt động trong tương lai gần.
- Giá gốc
Giá gốc của tài sản được ghi chép theo số tiền hoặc khoản tương đương tiền đã trả, phải trả, hoặc ghi theo giá hợp lý của tài sản đó vào thời điểm tài sản được ghi nhận.
- Phù hợp
Việc ghi nhận doanh thu chi phí phải phù hợp với nhau. Khi nhận một khoan doanh thu thì phải ghi nhận một khoản chi phí tương ứng có liên quan đến việc tạo ra doanh thu đó.
- Nhất quán
Kế toán phải áp dụng nhất quán các chính sách và phương pháp kế toán ít nhất trong một niên độ kế toán.
- Thận trọng
Cần có sự xem xét phán đoán trong khi lập các ước tính kế toán như: trích lập các khoản dự phòng không quá cao, không quá thấp; Không đánh giá cao hơn giá trị của các tài sản và các khoản thu nhập; Không đánh giá thấp hơn giá trị các khoản nợ phải trả và chi phí. Doanh thu và thu nhập chỉ được ghi nhận khi có bằng chứng chắc chắn còn chi phí phải được ghi nhận khi có bằng chứng về khả năng phát sinh chi phí.
Những kiến thức, kỹ năng cần có của kế toán ngân hàng
Trong ngân hàng có 3 bộ phận kế toán:
- Kế toán giao dịch: Thực hiện các giao dịch như tiền gửi thanh toán, tiết kiệm, chuyển ngân, giao dịch ngoại tệ…
- Kế toán tín dụng: Thu lãi, vốn các hợp đồng tín dụng của khách hàng
- Kế toán tổng hợp: Thực hiện các báo cáo, kiểm tra tổng hợp công việc thực hiện kế toán toàn ngân hàng, báo cáo thuế…
Mỗi bộ phận kế toán khác nhau sẽ cần các kiến thức, kỹ năng. Tuy nhiên tựu trung một kế toán ngân hàng phải nắm vững kiến thức chung về nghiệp vụ kế toán và một số kỹ năng cơ bản sau:
- Kỹ năng tin học văn phòng để đảm bảo kế toán thực hiện tốt nhất những phần mềm văn phòng cơ bản và cả những phần mềm kế toán mang tính chuyên ngành cao.
- Kỹ năng phân tích để làm việc với những con số.
- Kỹ năng sắp xếp công việc và quản lý thời gian để đảm bảo thông tin kế toán được kịp thời cung cấp và tham mưu ý kiến, đề xuất kiến nghị về hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
- Chịu được áp lực công việc và có sức khỏe tốt để chống chịu với những căng thẳng trong công việc khi có quá nhiều giấy tờ cần quản lý.
Bài viết là những kiến thức cơ bản về ngành kế toán ngân hàng. Hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình định hướng nghề nghiệp của mình.
Xem thêm: