Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Bởi vậy vốn đầu tư công được đánh giá là nguồn vốn rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia.
Xác định vai trò của vốn đầu tư công nên pháp luật nước ta ban hành các quy định cụ thể liên quan đến vốn đầu tư công cũng như giải ngân vốn đầu tư công. Cụ thể là Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 do Quốc hội ban hành ngày 13/6/2019.
Các quy định về vốn đầu tư công
Căn cứ theo Luật Đầu tư công năm 2019, Quốc hội ban hành các quy định cụ thể về vốn đầu tư công như sau:
Nguồn vốn đầu tư công
Khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công 2019 quy định cụ thể: Vốn đầu tư công bao gồm:
- Vốn ngân sách nhà nước;
- Vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Đối tượng đầu tư công
Theo Điều 5, Luật Đầu tư công 2019, đối tượng đầu tư công được quy định như sau:
“1. Đầu tư chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A.
2. Đầu tư phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội.
3. Đầu tư và hỗ trợ hoạt động đầu tư cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, phúc lợi xã hội.
4. Đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư.
5. Đầu tư phục vụ công tác lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
6. Cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng chính sách khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.”
Nguyên tắc quản lý vốn đầu tư công
Căn cứ theo Điều 12, Luật Đầu tư công 2019, quản lý vốn đầu tư công cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
Bên cạnh đó, Điều 16 Luật Đầu tư công 2019 cũng nêu rõ, nghiêm cấm các hành vi:
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
Vốn đầu tư công cần được quản lý, sử dụng công khai và minh bạch
Quy định về giải ngân vốn đầu tư công
Đối với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, Điều 68 Luật Đầu tư công 2019 quy định cụ thể như sau:
“1. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.
2. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.
3. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại chưa được dự toán hoặc vượt dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.
Về việc giải ngân vốn đầu tư công, Luật này cũng quy định thêm:
- Bộ Tài chính phải báo cáo Chính phủ tình hình giải ngân vốn đầu tư công
- Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cần được công khai, minh bạch
- Đối với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 và năm 2020, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương được phép thực hiện và giải ngân theo quy định của Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Quy định chuyển nguồn vốn đầu tư công
Đối với việc chuyển nguồn vốn đầu tư công, mới đây tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc điều chuyển vốn đầu tư công.
Cụ thể Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 đã nêu rõ, để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp.
Trong đó, cần thực hiện ngay việc điều chuyển vốn từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn hoặc điều chỉnh để thu hồi vốn ứng trước cho danh mục dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 (nếu còn) theo thẩm quyền quy định hoặc báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đối với số vốn không có khả năng giải ngân hết của Bộ, cơ quan, địa phương mình để có phương án điều chuyển cho các Bộ, cơ quan, địa phương khác có nhu cầu bổ sung vốn và có khả năng giải ngân tốt.
Việt Nam đang đẩy mạnh giải pháp giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có chuyển nguồn vốn đầu tư công
Tại Việt Nam đầu tư công được xem là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Trong vốn đầu tư công, vốn đầu tư thuộc NSNN chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng nhất. Trong giai đoạn dịch bệnh tác động tiêu cực đến nền kinh tế như hiện nay, vốn đầu tư công còn đóng vai trò là “vốn mồi”, nguồn vốn quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng.
Để tiếp tục phát huy vai trò vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã chú ý hơn đến vấn đề triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương. Ngoài ra hệ thống pháp lý liên quan cũng được hoàn thiện. Những quy định cụ thể của pháp luật về vốn đầu tư công, các dự án có vốn đầu tư công sẽ góp phần đảm bảo việc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công diễn ra công khai, minh bạch. Qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.