Phân biệt tiền giả như thế nào đơn giản nhất? Update 11/2024

Xã hội hiện đại, công nghệ phát triển, hàng giả, hàng nhái lan tràn trên thị trường. Một kỹ năng quan trọng mà bạn cần có là phân biệt tiền giả và tiền thật để tránh bị lừa. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin quan trọng và cần thiết.

Tại sao phải biết phân biệt tiền giả?

Ngày nay tiền giả xuất hiện trong giao dịch rất nhiều, đây chính là một vấn nạn vô cùng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế từng cá nhân, doanh nghiệp…. nhưng không phải ai cũng đủ tinh tế để nhận ra đâu là tiền thật, đâu là tiền giả.

Tại sao nên biết cách phân biệt tiền giả?
Tại sao nên biết cách phân biệt tiền giả?

Vì tiền giả được làm rất tinh vi, tuy nhiên dù làm tinh vi đến đâu cũng chỉ gần giống tiền thật về hình thức, không có các yếu tố bảo an hoặc có làm giả một số yếu tố nhưng không tinh xảo và nếu có kinh nghiệm vẫn có thể nhận biết được.

Đại bộ phận chúng ta còn chủ quan khi tham gia các cuộc giao dịch mua bán. Vì vậy dễ đẩy mình trở thành nạn nhân bị lừa đảo.

Các cách phân biệt tiền thật, tiền giả

Quan sát chất liệu Polime bằng cách vò tờ tiền trong lòng bàn tay

Tiền thật: được in trên chất liệu polymer, có độ đàn hồi và độ bền cao. Khi bạn vò tờ tiền rồi thả tay ra, tờ tiền sẽ đàn hồi về trạng thái ban đầu như trước khi nắm; kiểm tra độ bền bằng cách kéo, xé nhẹ ở cạnh (mép) tờ tiền (lưu ý không kéo, xé đồng tiền ở vị trí đã bị rách) sẽ khó rách, khó bai giãn.

Tiền thật với chất liệu polymer độ bền cao
Tiền thật với chất liệu polymer độ bền cao

Tiền giả: chủ yếu được in trên nilon nên không có độ đàn hồi đặc trưng và độ bền như tiền thật. Vì vậy, khi nắm gọn tờ tiền vào lòng bàn tay và mở ra sẽ không có độ đàn hồi về thể trạng ban đầu, khi kéo, xé ở cạnh (mép) tờ tiền sẽ dễ bị bai giãn hoặc rách.

Quan sát hình bóng chìm trên tờ tiền

Tiền thật: các chi tiết được in rõ nét màu sắc. Nhìn thấy rõ hai mặt hình bóng chìm được thể hiện bằng nhiều đường nét tinh xảo, sáng trắng.

Tiền giả: Các chi tiết in mờ, mỏng, màu sắc nhạt, hình bóng chìm không tinh xảo. Các chữ, số trên dây bảo hiểm không rõ ràng, không sắc nét; một số trường hợp không có yếu tố này. Hình định vị không khớp khít, các khe trắng không đều nhau.

Quan sát độ nổi, nhám ráp của nét in bằng cách vuốt nhẹ mặt trước tờ tiền

Tiền thật: Tại các vị trí có yếu tố in nổi, sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.

Tiền giả: chỉ có cảm giác trơn lì hoặc có cảm giác gợn tay nhưng không có độ nổi, nhám ráp như tiền thật.

Quan sát các cửa sổ trong suốt để phân biệt tiền thật, tiền giả

Tiền thật:

  • Cửa sổ lớn có cụm số dập nổi: là chi tiết nền nhựa trong suốt 2 mặt, ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có cụm số mệnh giá được dập nổi tinh xảo.
  • Cửa sổ nhỏ có yếu tố hình ẩn (DOE): là chi tiết nền nhựa trong suốt 2 mặt, ở phía trên bên trái trước tờ bạc. Khi đưa cửa sổ tới gần sát mắt, nhìn xuyên qua cửa sổ tới nguồn sáng đỏ (bóng đèn sợi đốt, ngọn lửa…) sẽ thấy hình ẩn xung quanh nguồn sáng.

Tiền giả:

  • Cụm số mệnh giá dập nổi trên cửa số lớn không tinh xảo như tiền thật
  • Trong cửa sổ nhỏ không có yếu tố hình ẩn.

Nghiêng qua nghiêng lại tờ tiền quan sát để phân biệt tiền giả, tiền thật

Tiền thật:

  • Có 1 số yếu tố hoa văn khi nghiêng qua nghiêng lại sẽ thấy hoa văn đổi màu
  • Trên tờ tiền có 1 dãy băng dọc màu vàng ánh kim, trên đó có in số mệnh giá, khi nghiêng qua nghiêng lại ta thấy dãy băng này lấp lánh rất đẹp
Có thể phân biệt tiền thật giả bằng đèn tia cực tím
Có thể phân biệt tiền thật giả bằng đèn tia cực tím

Ví dụ:

  • Đối với tiền 500.000 đồng: OVI đổi từ màu vàng sang xanh lá.
  • Đối với tiền 200.000 đồng: OVI đổi từ màu vàng sang xanh đậm.
  • Đối với tiền 100.000 đồng: OVI đổi từ màu vàng đỏ sang xanh lục đậm.

Tiền giả:

  • Có 1 số yếu tố hoa văn khi nghiêng qua nghiêng lại sẽ thấy hoa văn không đổi màu hoặc màu không như tiền thật
  • Trên tờ tiền có 1 dãy băng dọc màu vàng ánh kim, trên đó có in số mệnh giá, khi nghiêng qua nghiêng lại ta thấy dãy băng này không có hoặc có thì không lấp lánh mà in chết 1 màu.

Ngoài ra, chúng ta có thể phân biệt tiền thật, tiền giả bằng cách dùng kính lúp, đèn cực tím. Chúng ta có thể dùng kính lúp để kiểm tra mảng chữ in siêu nhỏ được tạo bởi các dòng chữ “NHNNVN” hoặc “VN” hoặc số có mệnh giá lặp đi lặp lại, thường được in ở vùng mệnh giá tiền.

Bên cạnh đó, cụm số mệnh giá in bằng mực phát quang không màu chỉ được nhìn thấy khi soi dưới đèn cực tím. Số sêri phát quang dọc màu đỏ phát quang màu vàng cam và số sêri ngang màu đen phát quang màu xanh lơ.

Trên đây là toàn bộ hướng dẫn bạn cách phân biệt tiền thật tiền giả đơn giản. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp kiến thức bổ ích để bạn có thể tránh sử dụng hoặc lấy tiền giả từ những kẻ gian nhé!

Xem thêm: