Ngân hàng nào đang “nặng gánh” nợ xấu?
Báo cáo tài chính quý III/2021 và thông tin chia sẻ từ các ngân hàng cho thấy, bức tranh nợ xấu đang gia tăng tại các ngân hàng.
Ngân hàng VietBank
Báo cáo tài chính quý 3/2021 của VietBank cho thấy, ngân hàng này ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% trong quý 3/2021 lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Ngoài ra, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.
Chính vì nợ xấu tăng mạnh đã khiến tỷ lệ nợ xấu của VietBank tăng đáng kể. Theo đó, cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng này là 2,65%, cao hơn mức 1,75% hồi đầu năm.
Ngân hàng MB
Trong quý 3/2021, nợ xấu của MB có dấu hiệu tăng trở lại. Ghi nhận tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%.
Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực ở 2 quý trước nên nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Ngoài ra, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).
Ngân hàng ACB
Theo ghi nhận, nợ xấu của ACB tiếp tục tăng trong quý 3. Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng này là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.
Ngân hàng NCB
Tại NCB nợ xấu đến hết quý III/2021 là 800 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,5% lên 1,93%. Đáng chú ý, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm tới 61,3% nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 5,4% so với đầu năm…
Nợ xấu ngân hàng gia tăng trong quý 3/2021
Nợ xấu gia tăng, ngân hàng xử lý thế nào?
Trước đó Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Kim Anh cũng khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% – 7,7% lên xấp xỉ 8%. Ngân hàng Nhà nước đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Vì lo ngại nợ xấu và nợ tái cơ cấu, nhiều ngân hàng cũng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ dù điều này ảnh hưởng tới lợi nhuận. Theo Thông tư 14/2021/TT-NHNN, ngân hàng bắt buộc phải trích 30% dự phòng phần dư nợ tái cơ cấu vào cuối năm nay và 100% trong 2 năm tới.
Tại ACB, ngân hàng này đã trích trước hơn 2.000 tỉ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch COVID-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.
Tại LienVietPostBank, tính đến cuối quý 3/2021 tổng nợ xấu của LienVietPostBank đã tăng 10% so với đầu năm, lên hơn 2.700 tỉ đồng. Trong đó, tăng mạnh nhất là nợ nghi ngờ, gấp 2,7 lần đầu năm. Dù vậy, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1,43% đầu năm xuống còn 1,42%. Tuy nhiên, trong quý 3/2021, ngân hàng này trích hơn 271 tỉ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,6 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, nhà băng này đã dành hơn 887 tỉ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2,8 lần cùng kỳ.
Tại TPBank, ghi nhận cho thấy trong quý 3/2021 dự phòng rủi ro tín dụng của TPBank tăng 223% so cùng kỳ lên 1.345 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, TPBank tăng 99% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng so với cùng kỳ, trích gần 2.349 tỉ đồng.
Có thể thấy, áp lực trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng đối với các khoản nợ cơ cấu cho khách hàng là rất lớn.
Ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng vì lo ngại nợ xấu
Đánh giá về vấn đề nợ xấu của các tổ chức tín dụng, báo Giao thông dẫn lời chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, với nợ xấu, muốn vớt vát phần nào tiền gốc ngân hàng chỉ còn cách bán tài sản bảo đảm. Các ngân hàng được phép cơ cấu nợ, cơ cấu lãi, giãn hoãn nợ cho khách hàng. Nhưng nợ cơ cấu ấy là nợ xấu tiềm ẩn đã được ngân hàng cơ cấu thì đều là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nợ rất xấu.
Ông Hùng nhận định, nợ xấu bắt đầu có xu hướng gia tăng từ tháng 3/2021 đến cuối năm. Nếu được cơ cấu tiếp đến tháng 8/2022 lại tiếp tục một dòng nợ xấu nữa. Nếu xác định nợ xấu là 30% tổng số nợ tái cơ cấu thì trong trường hợp may mắn, doanh nghiệp phục hồi tốt, tỷ lệ này giảm đi, có thể còn 10-20%.
Thực tế trong năm 2021, để khắc phục tình trạng nợ xấu cũng như tăng mạnh khả năng thu hồi nợ, các ngân hàng đang ráo riết bán các tài sản thế chấp. Nhưng việc bán tài sản bảo đảm thời điểm này cũng không dễ dù ngân hàng liên tục hạ giá. Đơn cử có nhóm tài sản thế chấp được ngân hàng cho vay vốn là BIDV rao bán tới lần thứ 42 vẫn không thành như trường hợp của Công ty CP Thúy Đạt (tại Khu Công nghiệp Hoà Xá, TP Nam Định). Ban đầu, các tài sản bị thanh lý là toàn bộ tài sản gắn liền với đất như nhà điều hành kiêm văn phòng, nhà xưởng; toàn bộ hệ thống dây chuyền máy móc… với giá khởi điểm trên 110 tỷ đồng. Tuy nhiên sau hơn 2 năm rao bán và thậm chí đã được xé lẻ để thanh lý, đến nay nhóm tài sản này vẫn còn lại dây chuyền in và một số máy móc thiết bị. Hai nhóm tài sản này có giá khởi điểm ban đầu hơn 26 tỷ đồng nhưng nay đã được hạ giá còn hơn 6 tỷ đồng vẫn chưa có người mua. Không chỉ BIDV mà còn rất nhiều các ngân hàng khác cũng gặp khó khăn trong thu hồi nợ.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, nợ xấu của ngành ngân hàng đang tăng cao hơn dự kiến và sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng lợi nhuận của nhóm ngành này.
Còn theo chia sử của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, tổng dư nợ tái cơ cấu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ tăng dần, tác động lên lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm nay và năm tới, do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.