Repo chứng khoán là gì? Ý nghĩa của nghiệp vụ repo chứng khoán Update 04/2024

Nghiệp vụ repo chứng khoán đã xuất hiện trên thị trường tài chính thế giới được một thời gian khá lâu, đồng thời cũng có mặt tại Việt Nam hơn 10 năm. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng nắm rõ được khái niệm repo chứng khoán là gì và ý nghĩa của nghiệp vụ này đối với thị trường chứng khoán.

Repo chứng khoán là gì?

Trong bối cảnh năm 2007, khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang cực kỳ sôi động với tính thanh khoản cao, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) đã chào bán với các NĐT 1 dịch vụ mới, đó chính là repo chứng khoán. Đa phần các CTCK đều quảng bá dịch vụ này rất rầm rộ với ưu thế là việc khách hàng sẽ được vay 1 khoảng tiền lớn hơn so với dịch vụ cho vay cầm cố chứng khoán nhưng thủ tục lại thuận tiện, đơn giản và nhanh gọn hơn.

Tuy nhiên sau năm 2007, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc khiến nhiều công ty đã cho khách hàng repo rơi vào giới hạn nguy hiểm, nên đã tự đẩy mình vào bờ vực phá sản khi đồng ý cho khách hàng repo đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước thực trạng này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Công văn số 990/UBCK-QLKD ngày 27/05/2008 yêu cầu các CTCK phải dừng ký mới các hợp đồng repo, sau khi chỉ số VN-Index mất liên tiếp gần 100 điểm trong vòng 1 tháng.

Công văn này ra đời khi cơ quản quản lý lo sợ thị trường sẽ giảm sâu hơn nữa do những tác động từ hoạt động thế chấp, cầm cố và repo chứng khoán. Sang đầu năm 2009, khi thị trường có dấu hiệu phục hồi, các công ty rục rịch khởi động lại dịch vụ repo.

Repo chứng khoán

Repo chứng khoán

Như vậy, repo chứng khoán chính là nghiệp vụ giao dịch mua/bán lại chứng khoán có kỳ hạn được sử dụng trên thị trường tài chính. Đây là loại hình giao dịch mà NĐT có thể mua/bán chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu,…) của chính mình trong 1 khoảng thời gian thỏa thuận nhất định với CTCK.

Hiểu đơn giản là, giao dịch repo là việc NĐT đi vay tiền và dùng chứng khoán mình có để thế chấp.

Quy định về repo chứng khoán

Quy định khi thực hiện repo chứng khoán như sau:

Trường hợp NĐT sở hữu cổ phiếu chưa được niêm yết và đang cần tiền thì có thể thực hiện repo với CTCK. Cổ phiếu được repo phải nằm trong danh sách cổ phiếu mà CTCK chấp nhận repo.

Khi cổ phiếu của NĐT được chấp nhận thì công ty sẽ làm 1 bản hợp đồng có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, hoặc 1 năm. Đồng thời NĐT phải làm giấy chuyển nhượng cổ phiếu sang tên CTCK theo đúng thời hạn ghi trên hợp đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc NĐT bán cổ phiếu cho CTCK trong thời hạn đó. Khi hết hạn, NĐT trả tiền thanh lý hợp đồng, CTCK sẽ làm giấy chuyển nhượng sang tên lại cho NĐT. NĐT phải trả lại số tiền bằng giá CTCK mua ban đầu cùng với lãi suất cho vay tùy thuộc theo thời hạn repo.

Những đặc trưng trong hợp đồng repo chứng khoán

  • Trong hợp đồng repo thể hiện sự chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người bán sang người mua. Theo hợp đồng, trong thời hạn repo, người mua (CTCK – Người cho vay) là chủ sở hữu tài sản sẽ chịu mọi rủi ro và được hưởng lợi ích phát sinh từ tài sản. Còn người bán (NĐT – Người vay) phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu cho người mua.
  • Trong hợp đồng repo, CTCK được quyền sử dụng chứng khoán để kinh doanh kiếm lời trong thời hạn hợp đồng.
  • Tuy quan hệ trong các hợp đồng repo là quan hệ mua – bán, nhưng quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng này không giống quyền, nghĩa vụ của các bên trong 1 hợp đồng mua bán thông thường.

Điểm khác biệt lớn nhất về quyền và nghĩa vụ chính là dù đã chuyển nhượng quyền sở hữu chứng khoán sang cho người mua, nhưng người bán vẫn tiếp tục được hưởng cổ tức và một số quyền lợi khác phát sinh (trước đó) từ số cổ phiếu mà họ đã chuyển nhượng cho CTCK (ví dụ: Quyền tham dự Đại hội cổ đông, quyền bỏ phiếu,…).

  • Giá repo là yếu tố quan trọng nhất trong hợp đồng repo. Vì trên cơ sở giá này, 2 bên sẽ cùng thiết lập 1 công thức tính giá nhằm bảo đảm lợi ích của cả 2 khi giao kết hợp đồng.

Ý nghĩa của repo chứng khoán

Nhờ tính chất linh hoạt mà repo được coi là 1 đòn bẩy tài chính trên thị trường chứng khoán vì nó đáp ứng được kỳ vọng của nhiều bên khi tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường chứng khoán.

Với khía cạnh đầu tư, repo cho phép họ không phải bán chứng khoán với giá trị thấp khi cần tiền mà vẫn có quyền sở hữu đối với số cổ phiếu đã repo, nâng cao hiệu quả kinh doanh nhờ việc có thêm 1 khoản tiền từ repo. Trời thời hạn repo, NĐT vẫn được hưởng cổ tức và các quyền lợi phát sinh khác như quyền dự họp đại hội cổ đông, quyền biểu quyết,…

Đối với NĐT, nghiệp vụ repo chứng khoán cho phép NĐT có được khoản tiền lớn hơn nhưng lãi suất thấp hơn so với việc vay cầm cố. Hơn nữa, nếu được repo giá cao, NĐT sẽ tận dụng được tối đa nguồn vốn. Đồng thời, họ cũng được các CTCK cung cấp đầy đủ thông tin, chi tiết liên quan đến chứng khoán mà họ đã repo.

Đối với CTCK, repo hỗ trợ các CTCK có thêm quyền kinh doanh chứng khoán đã mua trong suốt thời hạn hợp đồng, có khả năng gia tăng lợi nhuận. Ngoài ra, nhờ có nghiệp vụ repo mà CTCK theo 1 cách gián tiếp đã trở thành chủ thể cho vay hợp pháp, điều này trước được chỉ có ngân hàng và các quỹ tín dụng được phép.

Đối với thị trường tài chính, repo chứng khoán làm tăng tính thanh khoản cho thị trường và tạo điều kiện cho NĐT tiếp cận nguồn vốn vay từ CTCK nhờ việc cạnh tranh giữa các đơn vị trong nghiệp vụ này.

Chính vì vậy, có thể thấy nghiệp vụ repo đem lại lợi ích cho cả NĐT, CTCK và thị trường nên nó hoạt động rất sôi nổi. Tuy nhiên, hợp đồng repo vẫn tiềm ẩn một số hạn chế nên cơ quan quản lý Nhà nước lo ngại và đã từng sử dụng biện pháp hành chính để can thiệp.

Hy vọng bạn đọc quan tâm sau khi tham khảo bài viết này đã hiểu nghiệp vụ repo chứng khoán là gì và ý nghĩa của nó đối với các chủ thể cũng như thị trường. Đây là hình thức vay vốn tiên tiến, hợp lý mà nhiều NĐT đã áp dụng nhằm giải quyết nhu cầu tài chính khi cần.