Repo trái phiếu là gì? Các quy định khi giao dịch repo trái phiếu Update 11/2024

Repo trái phiếu là gì?

Repo trái phiếu là một thuật ngữ được các nhà đầu tư dùng để gọi các trái phiếu được giao dịch theo phương thức giao dịch repo.

Giao dịch repo trái phiếu là giao dịch mua bán lại áp dụng trong giao dịch trái phiếu chính phủ (TPCP). Đây là giao dịch mà một bên bán và chuyển giao quyền sở hữu TPCP cho một bên khác và cam kết sẽ mua lại, nhận lại quyền sở hữu TPCP đó sau một thời gian xác định với mức giá xác định. 

Giao dịch mua bán lại repo trái phiếu sẽ bao gồm 2 chiều giao dịch bán và mua lại (giao dịch lần 1 và giao dịch lần 2). Thời hạn giao dịch mua bán lại tối thiểu là 2 ngày, tối đa là 180 ngày.

Trong giao dịch mua bán lại, bên bán và bên mua được hiểu như sau:

  • Bên Bán được hiểu là bên bán trong Giao dịch lần 1
  • Bên Mua được hiểu là bên mua trong Giao dịch lần 1.

Repo trái phiếu là gì

Repo trái phiếu là giao dịch mua bán lại trái phiếu

Các quy định khi giao dịch repo trái phiếu chính phủ

Khi thực hiện giao dịch Repo trong đầu tư trái phiếu Chính phủ, nhà đầu tư cần tuân thủ các quy định như sau:

Thời gian giao dịch

Giao dịch Repo trái phiếu sẽ được giao dịch theo thời gian giao dịch của sở giao dịch chứng khoán đối với trái phiếu chính phủ. Cụ thể:

– Giao dịch từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần

– Thời gian giao dịch:

  • Phiên sáng: Phiên sáng: 9h00 –  11h30
  • Phiên chiều: 13h – 14h15

Loại trái phiếu được giao dịch 

Giao dịch repo trái phiếu được áp dụng cho giao dịch TPCP có kỳ hạn danh nghĩa trên 1 năm do Kho bạc Nhà nước phát hành. Ngoài ra còn có thể giao dịch các loại trái phiếu như:

– Tín phiếu Kho bạc do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn danh nghĩa không vượt quá 52 tuần;

– Trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh;

– Trái phiếu Chính quyền địa phương.

Mệnh giá niêm yết, đơn vị yết giá và đơn vị giao dịch

Trong giao dịch repo trái phiếu, nhà đầu tư cần tuân thủ quy định về mệnh giá niêm yết, đơn vị yết giá và đơn vị giao dịch như sau:

– Mệnh giá: 100.000 đồng

– Đơn vị yết giá: 01 đồng

– Đơn vị giao dịch: 01 trái phiếu/tín phiếu.

– Biên độ giao động giá: không quy định

Lệnh giao dịch repo trái phiếu

Khi thực hiện giao dịch mua bán lại TPCP, nhà đầu tư được thực hiện các lệnh giao dịch như sau:

Lệnh thỏa thuận thông thường: Đây là lệnh báo cáo được sử dụng để nhập giao dịch vào hệ thống trong trường hợp giao dịch này đã được các bên thỏa thuận xong các điều kiện trong giao dịch.

Lệnh thỏa thuận điện tử: Bao gồm 2 lệnh như sau:

  • Lệnh yêu cầu chào giá: Là lệnh có tính chất quảng cáo, được sử dụng khi nhà đầu tư chưa xác định được đối tác trong giao dịch. Lệnh có thể được gửi cho một, một nhóm thành viên hoặc toàn thị trường.
  • Lệnh chào mua, chào bán với cam kết chắc chắn: Lệnh chào với cam kết chắc chắn được sử dụng để chào đối ứng với lệnh yêu cầu chào giá. Lệnh chào với cam kết chắc chắn chỉ được gửi đích danh cho thành viên gửi lệnh yêu cầu chào giá.

Khối lượng giao dịch tối thiểu

Đối với giao dịch mua bán lại repo, khối lượng giao dịch tối thiểu quy định đối với 1 mã TPCP trong giao dịch mua bán lại nhiều mã là 100 TPCP.

Sửa, hủy lệnh trong phiên giao dịch

Trong phiên giao dịch repo trái phiếu, nhà đầu tư được phép:

  • Sửa hoặc hủy lệnh thỏa thuận chưa thực hiện. Đại diện giao dịch sửa hoặc hủy lệnh thỏa thuận khách hàng theo quy trình sửa, hủy lệnh giao dịch thỏa thuận do Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội qui định.
  • Giao dịch thỏa thuận đã thực hiện trên hệ thống không được phép huỷ bỏ.

Lưu ý: Đối với giao dịch mua bán lại repo trái phiếu, việc sửa lệnh thỏa thuận đã thực hiện chỉ áp dụng đối với giao dịch lần một. Giao dịch lần hai trong giao dịch mua bán lại không được phép sửa, hủy.

Tình hình giao dịch repo trái phiếu ở thị trường Việt Nam

Tại Việt Nam trái phiếu chính phủ là loại trái phiếu được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Những bên nắm giữ trái phiếu chính phủ ngày càng có nhu cầu lớn trong giao dịch mua – bán lại (repo) trái phiếu. 

Những năm gần đây, xu hướng giao dịch trên thị trường thứ cấp trái phiếu Chính phủ cho thấy giao dịch repo ngày càng tăng. 

Thông tin trên trang Đầu tư chứng khoán cho thấy, trước năm 2015 giao dịch repo luôn lép vế khi chiếm tỷ trọng nhỏ so với giao dịch mua đứt – bán đoạn (outright) thì năm 2016, giao dịch repo đã vươn lên chiếm tới 40% tổng giá trị giao dịch. Đến năm 2017, theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), giao dịch repo đã chiếm 48,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Những năm sau đó giao dịch repo tiếp tục tăng mạng.

Các chuyên gia cho rằng, để phát triển thị trường trái phiếu về chiều sâu, chuyên nghiệp như thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thì vai trò của giao dịch repo rất quan trọng. Sở dĩ những năm gần đây giao dịch repo trái phiếu tăng nhanh là do số dư trái trái phiếu Chính phủ mà các ngân hàng thương mại đang nắm giữ có trị giá lớn. Điều này dẫn đến nhu cầu thực hiện giao dịch repo ngày càng lớn, nhằm kinh doanh có hiệu quả khối tài sản lớn này.

Giao dịch repo trái phiếu tại Việt Nam

Tại Việt Nam, giao dịch repo liên tục tăng qua các năm

Ngoài ra, nhu cầu dự trữ thanh khoản qua nắm giữ trái phiếu Chính phủ của các ngân hàng cao, nên danh mục trái phiếu Chính phủ có giá trị lớn mà họ đang nắm giữ không chỉ được duy trì mà có khả năng tăng, tiếp tục góp phần gia tăng doanh số giao dịch repo trong thời gian tới. Xu hướng giao dịch repo được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng. Đây cũng là xu hướng vận động trên thị trường trái phiếu quốc tế.

Để đưa giá trị giao dịch repo trên thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với các thị trường quốc tế, đồng thời tiếp sức cho giao dịch repo diễn ra sôi động hơn thông qua tiết kiệm thời gian và chi phí giao dịch, năm 2019, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã chính thức công bố hợp đồng khung chuẩn giao dịch mua bán lại (repo) tại Việt Nam.

Hợp đồng khung chuẩn giao dịch mua bán lại ra mắt đã tạo thêm bước chuyển tích cực cho giao dịch repo trên thị trường thứ cấp TPCP nói riêng và sau này là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như các giao dịch khác trên thị trường tài chính, tiền tệ.

Thời báo tài chính Việt Nam dẫn chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký VBMA như sau, ở các giai đoạn nhất định, các giao dịch repo thường chiếm từ 50% cho đến 2/3 khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng. Như vậy, repo là sản phẩm có vai trò quan trọng trong việc luân chuyển dòng vốn trên thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường liên ngân hàng. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua, quy mô thị trường trái phiếu ngày càng tăng. Với khối lượng giấy tờ có giá các ngân hàng đang nắm giữ ngày càng lớn, thì nhu cầu giao dịch repo cũng sẽ càng ngày càng lớn và repo cũng là giao dịch sẽ được các bên ưu tiên.

Có thể thấy việc ra đời hợp đồng khung chuẩn giao dịch repo tại Việt Nam sẽ giúp chuẩn hóa các giao dịch trên thị trường, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các thành viên giao dịch. Từ đó, giúp tăng khối lượng giao dịch và khả năng vận hành của thị trường trái phiếu Việt Nam. 

Giao dịch repo trái phiếu là một giao dịch quan trọng trong đầu tư trái phiếu chính phủ. Tuy được đánh giá là giao dịch tốn thời gian lẫn chi phí nhưng nhờ những sự hỗ trợ về mặt quản lý mà giao dịch này ngày càng tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn.