Rủi ro thị trường là gì? Các quy định về quản lý rủi ro thị trường Update 04/2024

Rủi ro thị trường là gì?

Căn cứ Điều 1, Thông tư 40/2018/TT-NHNN thì khái niệm rủi ro thị trường (tên gọi tiếng Anh: market risk) được định nghĩa như sau:

Rủi ro thị trường là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá vàng, giá chứng khoán và giá hàng hóa trên thị trường. 

Ví dụ: Rủi ro lãi suất gắn với sự biến động của thị trường lãi suất, rủi ro tỷ giá gắn với sự biến động tỷ giá của các đồng ngoại tệ, rủi ro về giá các tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu, các giấy tờ có giá khác…) gắn với sự biến động của thị trường chứng khoán, rủi ro về biến động giá các hàng hóa khác như vàng, bạc, dầu mỏ, các loại nông sản…

Rủi ro thị trường là gì?

Rủi ro thị trường là gì?

Rủi ro thị trường theo Basel II

Quy định của Basel II về Rủi ro thị trường như sau:

– Rủi ro thị trường phát sinh từ những thay đổi bất lợi về giá trị của các trạng thái hoặc các danh mục tài sản do những thay đổi trong giá cả thị trường, lãi suất hay tỷ giá. 

Khi thực hiện giao dịch cho chính mình, các ngân hàng xem xét tác động của rủi ro thị trường trực tiếp đối với trạng thái trong sổ kinh doanh của ngân hàng cũng như trong mối liên hệ với vai trò của ngân hàng như là một trung gian tài chính cho các khách hàng.

– Rủi ro thị trường bao gồm:

  • Rủi ro cụ thể: rủi ro do một thay đổi bất lợi trong giá của một chứng khoán là do các yếu tố đó chỉ áp dụng chứng khoán đó hoặc tổ chức phát hành đó.
  • Rủi ro thị trường chung: Rủi ro của một thay đổi bất lợi trong giá thị trường được áp dụng trên tất cả các công cụ khác nhau.

Các loại rủi ro thị trường

Rủi ro thị trường bao gồm:

  • Rủi ro lãi suất là rủi ro do biến động bất lợi của lãi suất trên thị trường đối với giá trị của giấy tờ có giá, công cụ tài chính có lãi suất, sản phẩm phái sinh lãi suất trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Rủi ro ngoại hối là rủi ro do biến động bất lợi của tỷ giá, giá vàng trên thị trường khi ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trạng thái ngoại tệ, trạng thái vàng
  • Rủi ro giá cổ phiếu là rủi ro do biến động bất lợi của giá cổ phiếu trên thị trường đối với giá trị của cổ phiếu, giá trị chứng khoán phái sinh trên sổ kinh doanh của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Rủi ro giá hàng hóa là rủi ro do biến động bất lợi của giá hàng hóa trên thị trường đối với giá trị của sản phẩm phái sinh hàng hóa, giá trị của sản phẩm trong giao dịch giao ngay chịu rủi ro giá hàng hóa của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Các quy định về quản lý rủi ro thị trường

Chiến lược quản lý rủi ro thị trường

Căn cứ Điều 38, Thông tư 13/2018/TT-NHNN được sửa đổi bổ sung tại Thông tư 40/2018/TT-NHNN quy định chiến lược quản lý rủi ro thị trường tối thiểu bao gồm các nội dung sau đây:

  • Mức độ trạng thái rủi ro thị trường của sổ kinh doanh phải thực hiện phòng ngừa rủi ro thị trường
  • Nguyên tắc quản lý rủi ro thị trường trong điều kiện bình thường, điều kiện biến động mạnh về giá chứng khoán, giá hàng hóa, tỷ giá, giá vàng, lãi suất theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Nguyên tắc áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro thị trường (trong đó nêu rõ các công cụ phòng ngừa rủi ro thị trường, thẩm quyền phê duyệt các biện pháp phòng ngừa rủi ro thị trường).

Chiến lược quản lý rủi ro thị trường

Chiến lược quản lý rủi ro thị trường

Hạn mức rủi ro thị trường

Hạn mức rủi ro thị trường tối thiểu bao gồm:

  • Hạn mức rủi ro lãi suất: Hạn mức rủi ro lãi suất đối với danh mục sản phẩm giao dịch, hạn mức cho giao dịch viên, hạn mức cắt lỗ, hạn mức về tổng trạng thái rủi ro lãi suất trên sổ kinh doanh
  • Hạn mức rủi ro ngoại hối: Hạn mức về tổng trạng thái ngoại tệ dương, tổng trạng thái ngoại tệ âm, trạng thái vàng; hạn mức cho giao dịch viên, hạn mức cắt lỗ
  • Hạn mức rủi ro giá hàng hóa: Hạn mức đối với danh mục sản phẩm giao dịch, hạn mức cho giao dịch viên; hạn mức cắt lỗ.

Đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường

Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường đảm bảo:

– Có cá nhân, bộ phận thực hiện đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường độc lập với đơn vị giao dịch tự doanh

– Có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu để đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro thị trường

– Phân cấp cụ thể thẩm quyền phê duyệt, thực hiện các biện pháp phòng ngừa rủi ro thị trường

– Trường hợp ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sử dụng mô hình giá (mark to model) thì mô hình giá phải đảm bảo yêu cầu sau đây:

  • Đánh giá đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị giao dịch tự doanh, giá trị tài sản cơ sở
  • Được ước tính trên cơ sở thông tin, dữ liệu thị trường được thu thập từ các nguồn tin cậy. Thông tin, dữ liệu thị trường phải được đánh giá độc lập về độ tin cậy, phù hợp theo quy định nội bộ của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Được rà soát, đánh giá định kỳ tối thiểu hằng năm hoặc đột xuất nhằm xác định mức độ chính xác, hạn chế của mô hình giá để điều chỉnh cho phù hợp.

– Phương pháp, mô hình đo lường, theo dõi rủi ro thị trường theo rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu và rủi ro giá hàng hóa phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

  • Đo lường, theo dõi trạng thái rủi ro thị trường gắn với từng loại tài sản tài chính, nợ phải trả tài chính và các khoản mục ngoại bảng
  • Tham số, giả định phải được kiểm định, điều chỉnh trên cơ sở so sánh diễn biến thực tế và kết quả thu được từ các phương pháp, mô hình này.

– Kiểm soát rủi ro thị trường phải đảm bảo:

  • Cảnh báo sớm về khả năng vi phạm hạn mức rủi ro thị trường
  • Cuối mỗi ngày giao dịch, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đánh giá khả năng tuân thủ hạn mức rủi ro thị trường trên cơ sở trạng thái rủi ro thị trường thực tế và điều chỉnh hạn mức rủi ro thị trường
  • Việc điều chỉnh hạn mức rủi ro thị trường phải được thông báo kịp thời cho giao dịch viên, đơn vị giao dịch và các cá nhân, bộ phận có liên quan để thực hiện giao dịch tự doanh, kiểm soát rủi ro thị trường cho ngày giao dịch tiếp theo.

Vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường

Căn cứ Điều 18, Thông tư 41/2016/TT-NHNN thì vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường (KMR) được xác định theo công thức sau:

Công thức tính vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường

Trong đó:

  • KIRR: Vốn yêu cầu cho rủi ro lãi suất, trừ giao dịch quyền chọn
  • KER: Vốn yêu cầu cho rủi ro giá cổ phiếu, trừ giao dịch quyền chọn;
  • KFXR: Vốn yêu cầu cho rủi ro ngoại hối (bao gồm cả vàng), trừ giao dịch quyền chọn;
  • KCMR: Vốn yêu cầu cho rủi ro giá hàng hóa, trừ giao dịch quyền chọn;
  • KOPT: Vốn yêu cầu cho giao dịch quyền chọn.

Lưu ý:

– Để xác định vốn yêu cầu cho rủi ro thị trường, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có quy định bằng văn bản về các điều kiện, tiêu chí xác định các khoản mục thuộc phạm vi sổ kinh doanh để tính các trạng thái rủi ro trên sổ kinh doanh, đảm bảo tách biệt với sổ ngân hàng. 

Theo đó, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải:

  • Phân biệt các giao dịch trên sổ kinh doanh và sổ ngân hàng. Dữ liệu về giao dịch phải được ghi nhận chính xác, đầy đủ và kịp thời vào hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro và hệ thống sổ sách kế toán của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
  • Xác định được bộ phận kinh doanh trực tiếp thực hiện giao dịch
  • Giao dịch trên sổ kinh doanh và sổ ngân hàng phải được phản ánh trên hệ thống sổ sách kế toán và phải được đối chiếu với số liệu ghi nhận của bộ phận kinh doanh
  • Bộ phận kiểm toán nội bộ phải thường xuyên rà soát, đánh giá các khoản mục trên sổ kinh doanh và sổ ngân hàng.

Như vậy, rủi ro thị trường bao gồm rủi ro lãi suất, rủi ro ngoại hối, rủi ro giá cổ phiếu, rủi ro hàng hóa và nó ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của các tổ chức tài chính.