Trước khi chính thức đi làm sau khi tốt nghiệp đại học, Loan được bố mẹ và một số anh chị “bổ túc” cấp tốc các kiến thức tài chính cá nhân về việc tiết kiệm một quỹ dự phòng tài chính dùng cho giai đoạn khó khăn khi đã tự mình tạo ra thu nhập. Loan tâm sự, mỗi lần nghe câu chuyện này cô đều cho rằng mọi người đang lo xa, sống quá hà tiện với hiện tại. Chuyện tương lai cứ để tương lai lo. Đi làm và kiếm tiền đồng nghĩa với việc phải tự chi tiêu thoải mái cho bản thân, không nên khiến cuộc sống của mình gò bó chỉ vì cố gắng dành ra ít phần trăm số lương để tiết kiệm.
Loan làm nhân viên văn phòng cho một công ty chuyên về dịch vụ du lịch, mỗi tháng đón tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế cũng như trong nước. Thu nhập của Loan rơi vào khoảng 10 triệu đồng/tháng. Những tháng có tăng ca, thu nhập của cô có thể tăng thêm. Tiền lương kiếm được thỉnh thoảng cô biếu bố mẹ một ít, còn phần lớn là chi tiêu cho các khoản thuê nhà, ăn uống, mua sắm và lên kế hoạch đi du lịch cùng bạn bè. Loan hầu như không để tâm đến việc tích trữ một quỹ tài chính dự phòng nào, dù bố mẹ tháng nào cũng gọi điện nhắc nhở vấn đề tiết kiệm.
Dịch bệnh khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao
Đầu năm 2020, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại một số nước, sau đó nhanh chóng lan rộng sang Việt Nam, công ty của Loan chịu sự tác động trực tiếp và ảnh hưởng nặng nề. Số lượng đoàn đặt tour sụt giảm nghiêm trọng, các hướng dẫn viên chuyển hết về ngồi văn phòng cầm chừng. Nhân viên văn phòng như Loan cũng rơi vào cảnh tương tự khi thay phiên nhau đến công ty để giảm số ngày công đi làm. Tình hình diễn biến căng thẳng, công ty bắt buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm lương khiến cuộc sống của nhân viên gần như bị đảo lộn. Từ việc nhận đều mỗi tháng 10 triệu đồng, giờ đây thu nhập của Loan chỉ 4 – 5 triệu đồng với nhiều khoản phải chi tiêu tại một thành phố mà giá cả đắt đỏ như Hà Nội. Loan vẫn là người may mắn vì không nằm trong danh sách nhân sự bị cắt giảm của công ty.
Ngày gặp mặt tôi tại quán cà phê, Loan buồn rầu chia sẻ, đến bây giờ cô mới thấm câu chuyện tiết kiệm mà bố mẹ vẫn thường nhắc. Dịch bệnh diễn ra có lẽ là cơ hội để cô khám phá bản thân cũng như cách chi tiêu, quản lý tài chính của mình. Hiện tại, Loan thậm chí còn phải nhận sự “trợ cấp” từ bố mẹ để sống chung với dịch. Tôi dám chắc không chỉ riêng Loan mà rất nhiều những bạn trẻ khác cũng sẽ có cơ hội nhận ra chính mình trong giai đoạn khó khăn về kinh tế và công việc do dịch bệnh mang lại này.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dịch bệnh Covid-19 đã đẩy 1,3 triệu người vào tình trạng không có việc làm trong năm 2020, đa phần người mất việc trong độ tuổi lao động. Về thu nhập, năm 2020 thu nhập của người lao động tại Việt Nam đã giảm 2,3% so với năm 2019. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức lao động quốc tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã gây tổn thất cho khoảng 81 triệu việc làm trên thế giới trong năm 2020.
Những con số biết nói này trở thành yếu tố thúc đẩy những người trẻ hiểu được tầm quan trọng của dự phòng tài chính trong giai đoạn khó khăn. Covid-19 dường như đã đặt tất cả mọi người vào bài toán chi tiêu và bảo vệ tài chính. Ai có quỹ dự phòng tài chính sẽ đưa ra lời giải dễ dàng, còn những ai chưa ý thức rõ vai trò của việc tiết kiệm thì vẫn phải loay hoay tìm câu trả lời.
Ai cũng cần có một quỹ dự phòng tài chính cá nhân
Các giai đoạn khó khăn trong cuộc sống sẽ là thời điểm mà chúng ta nhận ra kế hoạch chi tiêu trước đó sẽ không còn phù hợp nữa. Những khoản tiền đi chơi, mua sắm quần áo, đi du lịch… sẽ hoàn toàn không còn được sử dụng, bởi đây là những việc mà bạn không thể làm hoặc cân nhắc không làm ở thời điểm mà khó khăn vẫn còn. Lúc này hầu hết mọi người nên làm quen với khái niệm “thắt chặt chi tiêu”, mà bước quan trọng đầu tiên là xem xét mức độ ưu tiên của những khoản chi tiêu trong cuộc sống.
Theo chuyên gia tài chính cá nhân Tiffany Aliche, Nhà sáng lập The Budgetnista (Mỹ), để nhận ra chi phí nào cần trả trước và chi phí nào có thể hoãn lại, bạn hãy tự đặt ra 2 câu hỏi: “Có điều gì không tốt nếu tôi không cho cho khoản này? Sẽ có gì không an toàn nếu tôi không chi khoản này?”. Nếu một trong hai câu hỏi được trả lời là “có”, bạn hãy chi trả cho khoản chi tiêu đó theo khả năng mình có. Còn nếu cả hai đáp án đều “không”, bạn hãy tạm hoãn thanh toán các khoản chi đó.
Còn theo nhận định của chuyên gia tài chính, TS Huỳnh Trung Minh, chi tiêu tiết kiệm trong mùa dịch nói riêng và những giai đoạn khó khăn về tài chính nói chung là điều cần thiết. Nhiều phụ nữ quen mua sắm theo sở thích, từ quần áo, mỹ phẩm, giày dép… Lúc kinh tế ổn định, thu nhập không bị ảnh hưởng, thói quen này không tác động nhiều đến túi tiền của gia đình. Nhưng trong giai đoạn khó khăn, việc này sẽ rất tốn kém khi thu nhập không tăng mà còn giảm. Chi tiêu thông minh là chỉ mua những thứ thật cần thiết và tận dụng các công cụ tài chính giúp tiết kiệm.
Khi khó khăn, không riêng việc cần phải cắt giảm chi tiêu, chúng ta còn có thể thực hiện thêm nhiều giải pháp khác nhau như tìm kiếm một số công việc làm thêm để bù vào thu nhập bị cắt giảm. Cô bạn Loan trong câu chuyện trên đã áp dụng có hiệu quả phương pháp này. Thời điểm dịch bệnh xảy ra, thời gian rảnh nhiều hơn, Loan đã tự tay làm bánh handmade để bán online. Cô thậm chí còn bán thêm một số mặt hàng rau sạch từ quê mà mẹ gửi lên. Việc làm này hỗ trợ phần nào thu nhập bị sụt giảm do dịch bệnh để Loan có thêm chi phí trang trải sinh hoạt.
Ngoài ra, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng quỹ khẩn cấp cho riêng mình. Có thể nhiều người sẽ tự hỏi, lương giảm, lương thấp hay công việc bấp bênh thì xây dựng quỹ khẩn cấp bằng cách nào? Thực tế khi chi tiêu ít đi đồng nghĩa với việc bạn có ý thức về việc tiết kiệm. Chúng ta có thể trích một số tiền nhỏ từ thu nhập để tạo một quỹ dự phòng khẩn cấp trước khi chi tiêu. Việc bạn cần làm tiếp theo là tập thói quen “nạp tiền” đầy đủ và đều đặn vào quỹ khẩn cấp. Đặc biệt không nên sử dụng số tiền trong quỹ dự phòng nếu như không quá khẩn cấp.
Xây dựng quỹ dự phòng từ sớm sẽ là điểm tựa vững chắc giúp bạn an tâm trước những biến cố trong cuộc sống, đồng thời đây cũng là cách bạn đến gần hơn với tự do tài chính.