Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là gì? Các nhân tố tác động đến việc gọi vốn đầu tư nước ngoài Update 11/2024

Đối với nền kinh tế mở như hiện nay, đầu tư nước ngoài là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng và được quan tâm, nhất là đối với những nước có nền kinh tế kém phát triển. Bởi đầu tư nước ngoài là nhân tố góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Kinh tế của một nước khi phát triển sẽ phụ thuộc rất lớn vào các nguồn vốn đầu tư nước ngoài hay việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Vậy gọi vốn đầu tư nước ngoài là gì? Những nhân tố nào tác động đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài hay gọi vốn đầu tư nước ngoài được hiểu là hoạt động kêu gọi nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể. Mục đích của việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài là nhằm có nguồn vốn để phát triển dự án, đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Việc kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài có thể hướng đến nhà đầu tư cá nhân, tổ chức. 

Tại sao phải thu hút vốn đầu tư nước ngoài?

Đối với việc phát triển kinh tế, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa và lợi ích rất quan trọng, góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Cụ thể:

  • Nguồn vốn từ nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp nước tiếp nhận đầu tư có điều kiện thuận lợi để gắn kết nền kinh tế trong nước với hệ thống sản xuất, phân phối, trao đổi quốc tế. Qua đó thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của quốc gia này.
  • Thông qua nguồn vốn đầu tư nước ngoài, các nước nhận vốn đầu tư có điều kiện thuận lợi để tiếp cận và thâm nhập thị trường quốc tế, từ đó mở rộng thị trường xuất khẩu… bởi việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài chính là cầu nối thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
  • Giúp nền kinh tế của nước tiếp nhận vốn phát triển, cụ thể là làm tăng trữ lượng vốn của nền kinh tế dưới hình thức máy móc, thiết bị, nhà xưởng… từ đó dẫn đến năng suất lao động tăng cao và tiền lương của người lao động được cải thiện.
  • Đầu tư nước ngoài là một cách để các quốc gia nghèo, kém phát triển học hỏi các công nghệ đã được phát triển và đang được sử dụng ở các quốc gia có nền kinh tế phát triển hơn. 
  • Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có tác động trong việc giải quyết vấn đề nhân công, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cho các nước nhận đầu tư. 

Chính những lợi ích to lớn này mà nhiều nhà kinh tế đưa ra lời khuyên, chính phủ các quốc gia kém phát triển cần ủng hộ các chính sách khuyến khích đầu tư từ nước ngoài. Đồng thời cần coi trọng việc thu thút vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên, khuyến khích tiếp nhận việc thu thút vốn đầu tư nước ngoài hơn các hình thức đầu tư nước ngoài khác.

Lợi ích của việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài mang lại nhiều lợi ích

Các yếu tố tác động đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Đối với việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, có nhiều yếu tố tác động nhưng về cơ bản sẽ có các yếu tố sau đây:

  • Tình hình chính trị – kinh tế của khu vực và thế giới: Đây có thể xem là yếu tố tác động gián tiếp đến việc thu hút vốn đầu tư. Khi tình hình chính trị – xã hội trên thế giới ổn định, không có khủng hoảng biến động, các nhà đầu tư sẽ yên tâm và tập trung nguồn lực để đầu tư ra bên ngoài. Từ đó các nước tiếp nhận đầu tư có thể thu hút được nhiều vốn đầu tư từ nước ngoài nhiều hơn. 
  • Tình hình chính trị – xã hội của nước nhận đầu tư: Sự ổn định về chính trị – xã hội sẽ có ý nghĩa trong việc huy động, thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khi tình hình chính trị – kinh tế ổn định, nhà đầu tư nước ngoài có lòng tin hơn vào thị trường mà họ sẽ rót vốn. Mặc khác, khi tình hình chính trị – xã hội ổn định, nhà nước đủ khả năng kiểm soát hoạt động của các nhà đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng và chiến lược đã đề ra. Do đó, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư sẽ cao hơn.
  • Nền kinh tế vĩ mô của nước nhận đầu tư: Để thu hút được vốn đầu tư từ nước ngoài, nền kinh tế trong nước phải tạo được sự an toàn cho sự vận động của nguồn vốn. Nhà đầu tư nhìn thấy được môi trường kinh tế vĩ mô có khả năng sinh lời để thu hút họ rót vốn đầu tư. Mức độ kinh tế vĩ mô có thể được thể hiện qua các thông tin như: Chỉ số lạm phát và kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ – tài khóa của quốc gia đó…
  • Hệ thống pháp luật: Một môi trường kinh doanh thuận lợi chính là môi trường có hệ thống pháp lý, pháp luật được đồng bộ, hoàn thiện và vận hành hữu hiệu. Thông thường các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quan tâm đến các yếu tố như: Môi trường cạnh tranh, quyền sở hữu tài sản được pháp luật bảo đảm; Quy chế pháp lý liên quan đến việc phân chia lợi nhuận; Quyền hồi hương lợi nhuận đối với các hình thức vận động cụ thể của vốn nước ngoài; Quy định về thuế, giá, thời hạn thuê đất…. Nếu đảm bảo được những vấn đề này, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ cao hơn. 
  • Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Đây là nhân tố thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài diễn ra nhanh chóng vì nó có tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Một quốc gia có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển như thông tin liên lạc tốt, mạng lưới giao thông rộng, nguồn năng lượng dồi dào, các cơ sở dịch vụ tài chính – ngân hàng thuận tiện… chắc chắn sẽ thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt hơn những quốc gia mà các yếu tố này ở mức thấp. Chưa kể, mức độ của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn phản ánh trình độ phát triển của mỗi quốc gia.
  • Hệ thống thị trường: Một hệ thống thị trường đồng bộ, chiến lược phát triển hướng ngoại (hướng về xuất khẩu) chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài rót vốn đầu tư. Bởi yếu tố này đảm bảo cho hoạt động của nhà đầu tư được tồn tại và đem lại hiệu quả. Theo đó, thị trường lao động sẽ cung cấp lao động cho nhà đầu tư, thị trường tài chính là nơi nhà đầu tư có thể vay vốn để tiến hành sản xuất kinh doanh và thị trường hàng hóa – dịch vụ là nơi tiêu thụ sản phẩm, lưu thông hàng hóa, từ đó đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Còn việc mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới sẽ tạo điều kiện để cải thiện cán cân thương mại, từ đó đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. 
  • Trình độ chuyên môn của người lao động: Đây vừa là nhân tố thu hút vốn đầu tư, vừa là nhân tố sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài. Khi lao động có trình độ phù hợp với yêu cầu, năng lực quản lý cao sẽ tạo ra năng suất lao động cao. Chưa kể khi lao động có trình độ chuyên môn cao còn giúp các nhà đầu tư nước ngoài giảm một phần chi phí đào tạo và bớt được thời gian đào tạo, cho nên tiến độ và hiệu quả của các dự án sẽ đạt đúng theo mục tiêu đề ra. 

Nhân tố tác động đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Có nhiều yếu tố tác động đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là một trong những nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài cao. Hàng năm Việt Nam ghi nhận nguồn vốn lớn được đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án, hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo ghi nhận của Bộ Công thương, dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng 9 tháng đầu năm 2021, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đáng lưu ý, 2 dự án lớn được cấp phép là Nhà máy điện LNG Long An I, II của Singapore và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản) với tổng vốn đăng ký lần lượt là trên 3,1 tỷ USD và hơn 1,31 tỷ USD.

Tính đến ngày 20/9/2021, vốn đầu tư đăng ký mới và vốn đầu tư điều chỉnh tiếp tục duy trì tăng và đạt mức tăng mạnh hơn so với 8 tháng đầu năm. Trong đó:

  • Tổng vốn đăng ký mới đạt gần 12,5 tỷ USD (tăng 20,6% so với cùng kỳ)
  • Tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD (tăng 25,6% so với cùng kỳ).

Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,3 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,9 tỷ USD, chiếm 17,7%; Nhật bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, chiếm 14,7%.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư đăng ký vào nước ta kể từ đầu năm đến nay.

Đánh giá về kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, báo Quân đội nhân dân thông tin, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, với các nhà đầu tư đang làm ăn ở Việt Nam, dù gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn cam kết đẩy mạnh đầu tư và rót thêm vốn vào các dự án ở Việt Nam. Kết quả này thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư ổn định, an toàn và hấp dẫn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội của Việt Nam. Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, nguồn vốn FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của ngân sách, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm và nâng cao thu nhập của người lao động. 

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Vốn đầu tư nước ngoài từ 2010 – 2019 tại Việt Nam  (Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Những năm gần đây Việt Nam cũng luôn nhận được các đánh giá tích cực của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam chia sẻ trên báo chí, Tập đoàn Nestlé vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới tại Đồng Nai trong hai năm tới, qua đó đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. Nói về lý do Nestlé quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Binu Jacob cho hay, cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang là nhà máy hiệu quả hàng đầu của Nestlé.

Ngoài Nestlé, còn có nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác rót vốn đầu tư vào Việt Nam. Có thể kể đến như:

  • Công ty Tetra Pak cho hay sẽ đầu tư thêm 5 triệu euro vào nhà máy sản xuất vỏ hộp giấy trị giá 120 triệu euro tại tỉnh Bình Dương. 
  • Hãng điện tử Nhật Bản Panasonic vừa đưa vào nhà máy mới sản xuất thiết bị chất lượng không khí trong nhà tại tỉnh Bình Dương, với vốn đầu tư khoảng 45 triệu USD. Đây là nhà máy đầu tiên trong lĩnh vực này của Panasonic tại Việt Nam, sẽ sản xuất quạt trần và quạt thông gió. 
  • Intel Products Việt Nam cũng đã chuyển vào Việt Nam 475 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư của tập đoàn này tại Việt Nam lên 1,5 tỷ USD và cam kết sẽ đầu tư thêm 2,6 tỷ USD vào Khu Công nghệ cao TP HCM trong thời gian tới. 

Chắc chắn với những nguồn vốn đầu tư nước ngoài này, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực phát triển trong tương lai, nhất là trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như hiện nay.

Giải pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta cần phải có những giải pháp thích hợp và thực hiện đồng bộ: 

  • Cần tiếp tục củng cố, duy trì ổn định chính trị – xã hội, tăng cường công tác an ninh quốc phòng. Cùng với đó là chú trọng giữ vững môi trường kinh tế vĩ mô, đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô phải nằm trong giới hạn cho phép. Yếu tố này chính là nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay, cần đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nâng cao cảnh giác dịch bệnh bùng phát. Từ đó tạo môi trường an toàn về sức khỏe để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
  • Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp thống nhất, đồng bộ. Đối với đầu tư nước ngoài, cần tạo khung pháp lý bảo đảm cho các hoạt động đầu tư diễn ra một cách thuận tiện nhất. Với các chính sách có liên quan đến đầu tư nước ngoài, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo quyền chuyển tài sản của họ ra nước ngoài sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Việt Nam theo quy định của pháp luật. Về mặt hành chính, cần cải tiến quy trình, thủ tục đăng ký, cấp phép, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sao nhanh gọn, ít tốn thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư. Đối với giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài cũng tương tự.
  • Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Cần đảm bảo vấn đề hạ tầng cơ sở, đặc biệt là vấn đề mặt bằng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp nhằm đảm bảo đáp ứng nhanh chóng cho nhà đầu tư khi chuyển vốn đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó cần chú trọng trong việc nâng cấp, xây dựng mới cầu đường, cảng biển, sân bay nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
  • Chất lượng nguồn nhân lực: Việt Nam cần chủ động trong việc nâng cao chất lượng cũng như số lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các nhân lực có chuyên môn cao để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.

Vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài có tầm quan trọng đặc biệt và mang lại nhiều lợi ích cho đất nước. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã hiểu rõ việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, các yếu tố tác động và giải pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.