Trái phiếu là gì?
Theo khoản 3, Điều 4, Luật Chứng khoán 2019, trái phiếu được định nghĩa như sau:
“3. Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.
Cũng theo quy định của Luật chứng khoán 2019 thì trái phiếu chính là một loại tài sản của chứng khoán.
Hiểu một cách đơn giản, trái phiếu là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của người phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu đối với một khoản tiền cụ thể (mệnh giá của trái phiếu), trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định.
Trái phiếu trong tiếng Anh được gọi là Bonds.
Trái phiếu thực chất chính là chứng khoán nợ
Đặc điểm của trái phiếu
Trái phiếu có các đặc điểm nổi bật như sau:
- Chủ thể phát hành trái phiếu gồm có: Công ty, Chính phủ Trung ương và chính quyền địa phương.
- Bất cứ doanh nghiệp, cá nhân hoặc chính phủ đều có thể mua trái phiếu. Những loại trái phiếu có ghi tên của trái chủ được gọi là trái phiếu ghi danh, còn ngược lại thì được gọi là trái phiếu vô danh.
- Người mua trái phiếu chỉ là người cho chủ thể phát hành vay tiền và là chủ nợ của chủ thể phát hành trái phiếu.
- Thu nhập của trái phiếu là tiền lãi, là khoản thu cố định thường kỳ và không phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của công ty phát hành.
- Trái phiếu là chứng khoán nợ cho nên khi công ty bị giải thể hoặc phá sản thì công ty phải có nghĩa vụ thanh toán cho các chủ trái phiếu trước, sau đó mới chia cho các cổ đông.
- Trên phương diện nhà đầu tư thì trái phiếu có tính ổn định và chứa đựng ít rủi ro hơn cổ phiếu. Đấy là lý do khiến nhiều nhà đầu tư lựa chọn đầu tư trái phiếu
- Trái phiếu có ba thuộc tính nổi trội của một tài sản tài chính đó là tính sinh lời, tính rủi ro và tính thanh khoản.
- Trái phiếu có thể phát hành dưới hình thức chứng chỉ (giấy tờ có giá), bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử. Vì thị trường trái phiếu là một bộ phận của thị trường vốn, cho nên trái phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán thông thường có thời hạn từ 1 năm trở lên (trung và dài hạn).
Phân loại trái phiếu
Trái phiếu được phân chia thành nhiều loại dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau. Cụ thể như sau:
Dựa vào chủ thể phát hành
- Trái phiếu Chính phủ: Trái phiếu này được phát hành nhằm đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của Chính phủ. Chính phủ phát hành trái phiếu với mục đích huy động tiền nhàn rỗi trong dân, các tổ chức kinh tế – xã hội. Trên thị trường chứng khoán, Chính phủ được xem là nhà phát hành trái phiếu uy tín nhất cho nên trái phiếu Chính phủ được xem là loại chứng khoán rủi ro ít nhất.
- Trái phiếu doanh nghiệp: Là trái phiếu được các doanh nghiệp nhà nước, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần phát hành nhằm tăng vốn hoạt động.
Trái phiếu ngân hàng và các tổ chức tài chính: Trái phiếu này được phát hành nhằm tăng thêm vốn hoạt động.
Dựa vào hình thức trái phiếu
- Trái phiếu vô danh: Loại trái phiếu không ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành. Trái chủ là người được hưởng quyền lợi.
- Trái phiếu ghi danh: Loại trái phiếu có ghi tên của người mua và trong sổ sách của người phát hành.
Dựa vào lợi tức trái phiếu
- Trái phiếu có lãi suất cố định: Loại trái phiếu mà các nhà đầu tư trái phiếu nhận được lợi tức xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) cố định tính theo mệnh giá.
- Trái phiếu có lãi suất biến đổi (lãi suất thả nổi): Loại trái phiếu mà các nhà đầu tư trái phiếu nhận được lợi tức trả trong các kỳ khác nhau; lợi tức được tính theo mức lãi suất biến đổi theo lãi suất tham chiếu.
- Trái phiếu có lãi suất bằng không: Loại trái phiếu mà các nhà đầu tư trái phiếu không nhận được lãi, nhưng được mua với giá thấp hơn mệnh giá (mua chiết khấu) và được hoàn trả bằng mệnh giá khi đến thời gian đáo hạn.
Dựa vào mức độ đảm bảo thanh toán của người phát hành
- Trái phiếu bảo đảm: Loại trái phiếu mà người phát hành sử dụng một tài sản có giá trị làm vật bảo đảm cho việc phát hành. Khi nhà phát hành mất khả năng thanh toán thì trái chủ có quyền thu và bán tài sản đó để thu hồi lại số tiền mà người phát hành còn nợ lại. Với loại trái phiếu này tùy vào đặc điểm của trái phiếu mà thông thường được chia thành các loại như sau:
- Trái phiếu có tài sản cầm cố: Loại trái phiếu đảm bảo bằng việc người phát hành cầm cố một bất động sản nhằm đảm bảo thanh toán cho trái chủ. Thường giá trị tài sản cầm cố sẽ lớn hơn tổng số mệnh giá của các trái phiếu phát hành nhằm bảo vệ quyền lợi cho trái chủ.
- Trái phiếu bảo đảm bằng chứng khoán ký quỹ: Loại trái phiếu được đảm bảo bằng việc người phát hành thường là đem ký quỹ số chứng khoán chuyển nhượng mà mình sở hữu để làm tài sản đảm bảo.
Trái phiếu không bảo đảm: Là loại trái phiếu phát hành không có tài sản làm vật đảm bảo mà chỉ được bảo đảm bằng uy tín của người phát hành trái phiếu.
Dựa vào tính chất trái phiếu
- Trái phiếu có quyền mua cổ phiếu: Loại trái phiếu có kèm với phiếu cho phép trái chủ được quyền mua số lượng nhất định cổ phiếu của công ty.
- Trái phiếu có thể mua lại: Loại trái phiếu cho phép nhà phát hành có quyền mua lại một hoặc toàn bộ trước khi trái phiếu đến hạn thanh toán.
- Trái phiếu có thể chuyển đổi: Loại trái phiếu của công ty cổ phần mà trái chủ có quyền chuyển sang cổ phiếu của công ty đó. Việc này được quy định cụ thể về tỷ lệ, thời gian khi mua trái phiếu.
Trái phiếu khác cổ phiếu như thế nào?
Trái phiếu và cổ phiếu là 2 loại chứng khoán phổ biến trên thị trường, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn. Tuy nhiên, về cơ bản hai loại tài sản chứng khoán nào có nhiều điểm khác nhau. Bảng sau sẽ thông tin chi tiết các điểm khác nhau giữa trái phiếu và cổ phiếu:
Tiêu chí | Trái phiếu | Cổ phiếu |
Định nghĩa |
Theo Luật chứng khoán 2019: Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành. Hiểu đơn giản đây là chứng chỉ ghi nhận nợ, người sở hữu là chủ nợ |
Theo Luật chứng khoán 2019: Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành. Hiểu đơn giản đây là chứng chỉ góp vốn, người sở hữu là cổ đông |
Quyền của chủ sở hữu | Không có quyền tham gia vào hoạt động của công ty | Có quyền tham gia vào hoạt động công ty |
Thời hạn | Có thời hạn nhất định | Không có thời hạn, cổ phiếu gắn liền với sự tồn tại của công ty |
Điều kiện rút vốn | Được rút khi đến thời hạn | Không được rút vốn trực tiếp |
Tính rủi ro | Thường ít rủi ro, phụ thuộc vào doanh nghiệp | Độ rủi ro cao |
Đơn vị phát hành | Do các doanh nghiệp và chính phủ phát hành | Do các doanh nghiệp cổ phần phát hành |
Tính chuyển đổi | Có thể chuyển đổi thành cổ phiếu | Không có tính chuyển đổi thành Trái phiếu |
Giải đáp các thuật ngữ liên quan đến trái phiếu
Chơi trái phiếu là gì?
Chơi trái phiếu là cách gọi dân dã của đầu tư trái phiếu.
Đầu tư trái phiếu là là thực hiện một giao dịch cho vay với người đầu tư trái phiếu là người cho vay và người phát hành trái phiếu (Chính phủ, doanh nghiệp, ngân hàng hay tổ chức tài chính) là người đi vay. Nhà phát hành có nghĩa vụ phải thanh toán cho trái chủ theo các cam kết nợ được xác định trong hợp đồng vay.
Trái phiếu là một công cụ tuyệt vời để tạo ra thu nhập và đầu tư trái phiếu được coi là sự đầu tư an toàn, nhất là khi so sánh với đầu tư cổ phiếu.
Trái phiếu được nhiều người lựa chọn đầu tư
Mã trái phiếu là gì?
Mã trái phiếu chính là mã số của trái phiếu được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cấp nhằm phục vụ cho mã giao dịch trái phiếu trên thị trường.
Ví dụ: Kho bạc Nhà nước (Bộ tài chính) được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cấp mã giao dịch là TD1926170
Thị trường trái phiếu sơ cấp là gì?
Thị trường trái phiếu sơ cấp, tiếng Anh là Primary Bond Markets, là thị trường mà các tổ chức bán trái phiếu mới phát hành của mình cho các nhà đầu tư để huy động vốn.
Chỉ số trái phiếu là gì?
Chỉ số trái phiếu (tiếng Anh là Bond Index) là giá trị thống kê phản ánh giá cả của trái phiếu thuộc một danh mục đầu tư trên thị trường trái phiếu.
Yết giá trái phiếu là gì?
Yết giá trái phiếu (tiếng Anh: Bond Quote) là giá cuối cùng mà trái phiếu được giao dịch, được biểu thị bằng tỉ lệ phần trăm của mệnh giá và được chuyển đổi sang thang điểm.
Ví dụ: nếu trái phiếu doanh nghiệp được niêm yết ở mức 99, có nghĩa là trái phiếu đang giao dịch ở mức 99% mệnh giá.
Kỳ hạn trái phiếu là gì?
Kỳ hạn trái phiếu là thời gian được tính từ lúc trái phiếu được phát hành cho đến khi đáo hạn. Theo đó ngày đáo hạn là ngày mà tổ chức phát hành phải mua lại trái phiếu.
Xem thêm: Kỳ hạn trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ
Mệnh giá trái phiếu là gì?
Mệnh giá trái phiếu hay giá trị danh nghĩa của trái phiếu là giá trị được ghi trực tiếp trên trái phiếu. Giá trị này được xem là số vốn gốc.
Mệnh giá trái phiếu được xem là căn cứ để xác định số lợi tức tiền vay mà người phát hành phải trả cho người sở hữu. Bên cạnh đó thì mệnh giá cũng thể hiện số tiền người phát hành phải hoàn trả khi trái phiếu đến hạn.
Đọc ngay: Tìm hiểu về mệnh giá các loại trái phiếu
Hy vọng với những thông tin trên đây bạn đã hiểu về trái phiếu, đặc điểm cũng như phân loại trái phiếu. Từ đó giúp ích cho việc đầu tư tài chính với loại chứng khoán như trái phiếu.