Những năm gần đây thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng được rất nhiều người quan tâm. Bên cạnh đầu tư vào cổ phiếu, đầu tư trái phiếu cũng thu hút không ít nhà đầu tư. Với độ rủi ro được xác định ít hơn cổ phiếu, trái phiếu dần trở thành một kênh đầu tư kiếm lợi nhuận mà không ít người lựa chọn, nhất là những nhà đầu tư mới “chân ướt chân ráo” làm quen với thị trường chứng khoán.
Thực tế đầu tư trái phiếu có thể mang đến nguồn lợi nhuận cố định cho nhà đầu tư, nhất là đầu tư trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, dù là kênh đầu tư có độ an toàn cao thì khi đầu tư trái phiếu nhà đầu tư vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro nhất định. Nếu như không nắm bắt được, việc đầu tư thất bại là điều khó tránh khỏi.
Rủi ro trái phiếu là gì?
Rủi ro trái phiếu hiểu đơn giản chính là những điều không tốt, sự tổn thất hay mất mát liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu của nhà đầu tư. Khi gặp rủi ro nhà đầu tư trái phiếu có thể chịu ảnh hưởng đến lợi nhuận đầu tư như không được nhận lãi, thậm chí là mất vốn…
So với các kênh đầu tư khác như cổ phiếu thì đầu tư trái phiếu được đánh giá là độ rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng và sự nhạy bén thị trường để hạn chế thấp nhất khả năng gặp rủi ro khi đầu tư trái phiếu. Bạn có thể tham khảo các rủi ro thường gặp khi đầu tư trái phiếu để nắm bắt rõ trước khi đưa ra các quyết định đầu tư đúng đắn.
Trái phiếu nào rủi ro nhất khi đầu tư?
Thị trường trái phiếu hiện nay phổ biến giao dịch 2 loại trái phiếu là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Hai loại trái phiếu này vẫn luôn thu hút nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Đầu tư trái phiếu Chính phủ
Theo đánh giá của giới chuyên môn, giữa hai loại trái phiếu, trái phiếu Chính phủ vẫn được đánh giá là an toàn, độ rủi ro ít hơn so với trái phiếu doanh nghiệp. Bởi lẽ trái phiếu Chính phủ do Bộ Tài chính phát hành, được bảo lãnh và đảm bảo về độ an toàn cũng như các quy định liên quan trong việc phát hành và chào bán ra thị trường. Khi mua trái phiếu Chính phủ, nhà đầu tư được hưởng lợi nhuận cố định và không cần quá lo lắng trong vấn đề pháp lý liên quan.
Đầu tư trái phiếu chính phủ
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
So với trái phiếu chính phủ, hiện nay trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn khá hiệu quả được các doanh nghiệp lựa chọn. Còn đối với nhà đầu tư, đây là kênh đầu tư đầu hấp dẫn vì lãi suất cao, lợi nhuận thu về lớn.
Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp quý 2/2021 do Công ty Chứng khoán Sài Gòn SSI Reasearch công bố cho thấy, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tăng vọt trong quý 2/2021 với 164 nghìn tỷ đồng, gấp 3,66 lần lượng phát hành trong quý 1/2021 và tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Trong đó các ngân hàng thương mại dẫn đầu về lượng phát hành trong quý 2/2021, tổng cộng 67 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng lượng phát hành trong quý. Tính chung nửa đầu năm 2021, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là 208,9 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ 2020.
Chia sẻ trên báo Công an nhân dân, các nhà tư vấn đến từ SSI khuyến nghị và nhấn mạnh về rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên khi môi trường lãi suất thấp.
Liên quan đến vấn đề này, báo Người lao động dẫn lời chia sẻ của TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia chia sẻ, dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp có các tín hiệu tích cực nhưng số liệu thống kê cho thấy rủi ro với trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên.
Theo TS Cấn Văn Lực, loại trừ các trái phiếu ngân hàng và định chế tài chính, hầu hết trái phiếu của doanh nghiệp phát hành đều không có tài sản bảo đảm. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2021, có tới 28% lượng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành nhưng không có tài sản bảo đảm. Điều này sẽ tạo ra những rủi ro lớn đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Còn theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu, rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thể hiện qua việc lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS và không có tài sản bảo đảm.
Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không biết tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Do đó rủi ro rất cao, nhất là trái phiếu của các công ty BĐS.
Nói đến rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cũng đưa ra cảnh báo, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng, đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu, bởi lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, đối với nhà đầu tư mua trái phiếu, cần phân biệt rõ phương thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng và phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Theo đó, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
Bởi vậy khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho rằng nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu/tổ chức môi giới cung cấp đầy đủ các thông tin bao gồm:
- Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành, mục đích phát hành.
- Trái phiếu doanh nghiệp có tài sản đảm bảo hay không có tài sản đảm bảo.
- Các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với trái phiếu.
- Kỳ hạn phát hành trái phiếu và phương thức trả nợ gốc, lãi.
- Tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu
- Quy trình, hồ sơ về xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các nhà đầu tư cá nhân theo quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn, Bộ Tài chính khuyến cáo nhà đầu tư cần lưu ý:
- Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành cũng như các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
- Các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) phân phối trái phiếu doanh nghiệp không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.Các tổ chức này chỉ là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn hay không. Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành.
Như vậy có thể thấy giữa hai loại trái phiếu, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với trái phiếu Chính phủ. Cho nên trước khi đưa ra các quyết định đầu tư, nhà đầu tư cần có sự sáng suốt, nắm rõ các kiến thức về trái phiếu cũng như nhạy bén thị trường để đầu tư đúng lúc, đúng chỗ nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định.