Vài năm trở lại đây “cuộc đua” phát hành trái phiếu quốc tế diễn ra rầm rộ giữa các ngân hàng tại Việt Nam. Thậm chí việc phát hành trái phiếu tại nước ngoài được xem là xu thế được nhiều ngân hàng thực hiện trong bối cảnh huy động vốn cấp 1 khó khăn.
Phát hành trái phiếu quốc tế ngân hàng được lợi gì?
Phát hành trái phiếu quốc tế ngân hàng chính là việc các ngân hàng phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế nhằm mục đích huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Nói về việc phát hành trái phiếu quốc tế của các ngân hàng, chia sẻ trên Vov.vn, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, việc nhiều ngân hàng Việt Nam tăng cường phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài là một tín hiệu tốt. Hướng đi này cho thấy các ngân hàng Việt Nam đã có đủ tự tin, đủ uy tín thuyết phục thị trường để huy động vốn từ nước ngoài. Điều này sẽ giúp cho các ngân hàng có thêm một kênh huy động vốn mới, giá rẻ và phong phú.
Nhiều ngân hàng lựa chọn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế
Đối với việc phát hành trái phiếu ra nước ngoài của các ngân hàng sẽ mang lại nhiều lợi ích, cụ thể:
- Phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn, đồng thời tăng được nguồn vốn trung và dài hạn.
- Giúp giảm bớt áp lực huy động tiền trong nước, làm tăng lãi suất huy động, đem lại lợi ích cho khách hàng.
- Giúp ngân hàng có thêm nội lực, khả năng hoạt động để mở rộng thị trường, khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường quốc tế và từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, bên cạnh những lợi ích thì việc phát hành trái phiếu quốc tế ngân hàng cũng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn. Cụ thể như sau:
- Khó khăn trong quá trình huy động vốn mà lớn nhất chính là thuyết phục thị trường, những đối tác sẵn sàng bỏ tiền ra mua trái phiếu (tức cho vay). Đây là điều không hề dễ khi các khách hàng nước ngoài chưa hiểu biết nhiều về ngân hàng, pháp luật tại Việt Nam. Thậm chí họ chưa đủ tin cậy về hoạt động tín dụng và hay thể chế, tư pháp của Việt Nam.
- Các ngân hàng chưa hiểu biết đầy đủ về thị trường nước ngoài. Điều này sẽ khiến việc đánh giá không đúng về thị trường dẫn đến việc phải vay với lãi suất cao. Từ đó vô tình tạo ra cái “bẫy thanh toán”, nghĩa là vay xong nhưng không trả được nợ. Theo ông Nguyễn Minh Phong tại Việt Nam không phải ngân hàng nào cũng có khả năng phát hành trái phiếu quốc tế, chỉ những ngân hàng đủ uy tín, có xếp hạng tín nhiệm bởi các công ty xếp hạng quốc tế thì mới có khả năng này.
Cho nên theo ông Nguyễn Minh Phong, để có thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu quốc tế, các ngân hàng cần phải có chiến lược cạnh tranh mạnh mẽ.
Các ngân hàng Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế
Tại Việt Nam việc ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế đã diễn ra từ những năm trước. Những năm sau này rất nhiều các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế. Có thể điểm qua các ngân hàng sau đây:
Ngân hàng Vietinbank
Theo đó từ năm 2021 ngân hàng Vietinbank đã phát hành trái phiếu quốc tế niêm yết tại Sở Giao dịch Singapore (SGX). Cụ thể ngày 17/5/2012 ngân hàng Vietinbank phát hành trái phiếu thường, không chuyển đổi, không có đảm bảo niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore (SGX). Trái phiếu quốc tế ngân hàng Vietinbank có các đặc điểm như sau:
- Loại trái phiếu: Trái phiếu thường, không chuyển đổi, không có bảo đảm
- Đồng tiền phát hành: Đô la Mỹ (USD)
- Khối lượng trái phiếu niêm yết: 250 triệu USD
- Thời hạn niêm yết: 05 năm kể từ ngày phát hành
- Ngày phát hành: 17/5/2012
- Ngày đáo hạn: 17/5/2017
- Lãi suất cuống phiếu: Lãi suất cố định 8,0%/năm
- Kỳ hạn trả lãi: 06 tháng/lần
- Ngày thanh toán lãi: 17/5 và 17/11 hàng năm
- Niêm yết: Sở Giao dịch Singapore (SGX)
- Luật điều chỉnh: Luật New York
Ngày 17/5/2017, trái phiếu quốc tế của VietinBank đã đáo hạn. VietinBank đã thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư và hủy niêm yết trên Sở Giao dịch Singapore kể từ ngày 08/8/2017.
Ngân hàng HDBank
HDBank đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu tại nước ngoài theo Chương trình Euro Medium Term Note bằng USD để huy động khoảng 1 tỷ USD và thời gian dự kiến phát hành là 2020 – 2024.
Trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Mỹ và niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore.
Chia trẻ trên báo VTC New, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HDBank cho biết, quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi gặp dịch bệnh. Họ bơm thêm tiền rất lớn ra thị trường, với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế. Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nhằm có nguồn vốn dài hạn và có mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của ngân hàng, bổ sung các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu Covid-19.
HDBank chính là ngân hàng thứ hai liên tiếp trong vòng hai năm qua đặt tham vọng phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế.
Ngân hàng VPBank
Trong năm 2019, VPBank là ngân hàng đã huy động thành công 300 triệu USD (tương đương hơn 7.100 tỷ đồng) thông qua phát hành trái phiếu quốc tế kỳ hạn 3 năm dưới sự tư vấn của các tổ chức danh tiếng là BNP Paribas, JP Morgan và Standard Chartered.
Theo đó, trái phiếu này của VPBank là trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm và được niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX-ST). Trái phiếu có lãi suất danh nghĩa 6,25% và được phân phối cho các nhà đầu tư châu Á và châu Âu, với tỷ lệ lần lượt là 52% và 48%.
Được biết, mục đích phát hành trái phiếu quốc tế của VPBank nhằm tăng quy mô nguồn vốn, đa dạng hóa nguồn huy động vốn trung dài hạn để phục vụ cho các hoạt động cho vay trung dài hạn, nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đáp ứng tốt các yêu cầu chỉ tiêu an toàn hoạt động theo quy định của pháp luật và các đối tác.
Đây chỉ là đợt phát hành trái phiếu quốc tế đầu tiên của VPBank. VPBank còn dự kiến phương án chào bán trái phiếu thành nhiều đợt tại nước ngoài theo chương trình Euro Medium Term Note có trị giá tối đa 1 tỉ USD nhằm mục đích tăng quy mô hoạt động của VPBank và 120 triệu USD trái phiếu doanh nghiệp xanh (Green Bond) để tài trợ cho danh mục xanh, khoản vay đáp ứng tiêu chí xanh.
VPbank phát hành trái phiếu quốc tế thành công vào năm 2019
Ngân hàng SHB
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, SHB đã trình cổ đông phương án chào bán và niêm yết trái phiếu trên thị trường quốc tế. Cụ thể, ngân hàng SHB có kế hoạch huy động tối đa 500 triệu USD trái phiếu theo chương trình EMTN (Euro Medium Term Note) và niêm yết trái phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore.
Theo đó, hai loại hình trái phiếu được chào bán là trái phiếu quốc tế cao cấp (không chuyển đổi, không có đảm bảo và không kèm chứng quyền) và trái phiếu quốc tế tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày, không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi).
Lãi suất trái phiếu quốc tế SHB sẽ quyết định phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và tùy thuộc vào điều kiện thị trường tại thời điểm phát hành.
Được biết, SHB phát hành trái phiếu quốc tế dự kiến được chia ra làm nhiều đợt. Trong đợt đầu tiên, ngân hàng kế hoạch phát hành 300 triệu USD trái phiếu quốc tế cao cấp, kỳ hạn 3 – 5 năm.
Báo Vneconomy dẫn lời chia sẻ của lãnh đạo SHB cho biết, mục đích khi thực hiện phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài của SHB là nhằm nâng cao vị thế và thương hiệu của ngân hàng trên thị trường quốc tế. Đồng thời đa dạng hóa kênh huy động vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn vốn.
Ngân hàng TPBank
Năm 2019, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã thông qua phương án phát hành và niêm yết trái phiếu quốc tế, tăng vốn cấp 2 với tổng giá trị phát hành tối thiểu 200 triệu USD.
Theo đó, trái phiếu phát hành là loại trái phiếu vốn cấp 2 thông thường, không chuyển đổi, không có bảo đảm. Trái phiếu có mệnh giá tối thiểu là 200.000 USD và là bội số của 1.000 USD.
Trái phiếu quốc tế TPBank phát hành là trái phiếu có kỳ hạn 10 năm và có lãi suất cố định 5 – 8%/năm. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ 6 tháng/lần. Trái phiếu niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Trong năm 2021 TPBank chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.
Ngân hàng SeAbank
Năm 2019 Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã công bố phương án phát hành 400 triệu USD trái phiếu ra thị trường quốc tế. Tuy nhiên sau đó ngân hàng này đã dời phát hành 400 triệu USD trái phiếu quốc tế sang năm 2020.
Loại trái phiếu SeAbank phát hành là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 5 năm. Trái phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore (SGX).
Nguồn vốn phát hành trái phiếu dự kiến bổ sung cho khách hàng có nhu cầu vay USD; bổ sung vốn cho vay các dự án trung dài hạn đã có cam kết; bổ sung vốn cho vay các khách hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên…
Mục đích phát hành trái phiếu quốc tế của SeABank là nhằm củng cố năng lực tài chính, đa dạng kênh huy động vốn trung – dài hạn từ các tổ chức quốc tế, tăng quy mô hoạt động cho vay trung dài hạn đối với khách hàng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó việc phát hành trái phiếu quốc tế tạo cơ sở cho ngân hàng xây dựng và thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính và an toàn vốn quốc tế. Đồng thời nâng cao vị thế của SeABank trên thị trường quốc tế.
Có thể thấy việc phát hành trái phiếu quốc tế ngân hàng tại Việt Nam vẫn luôn sôi động. Đây được xem là kênh huy động vốn hiệu quả mà nhiều ngân hàng lựa chọn. Các chuyên gia cũng nhận định việc nhiều ngân hàng Việt Nam tăng cường phát hành trái phiếu ra thị trường nước ngoài là tín hiệu tốt là hướng đi đúng đắn.