Trái phiếu quốc tế của chính phủ là gì? Các lần phát hành TPQT của chính phủ Việt Nam Update 11/2024

Trái phiếu quốc tế của chính phủ là gì?

Trái phiếu quốc tế của chính phủ hay trái phiếu chính phủ quốc tế là loại trái phiếu được phát hành bởi một chính phủ quốc gia bằng ngoại tệ. 

Hiểu một cách đơn giản nhất, trái phiếu quốc tế chính phủ là trái phiếu chính phủ được phát hành bằng ngoại tệ. 

Trái phiếu chính phủ quốc tế tiếng Anh được gọi là Sovereign Bond.

Đặc điểm của trái phiếu chính phủ quốc tế

Trái phiếu chính phủ quốc tế có những đặc điểm nổi bật như sau:

  • Trái phiếu chính phủ quốc tế do chính phủ của một quốc gia phát hành
  • Trái phiếu chính phủ quốc tế được phát hành bằng ngoại tệ
  • Nếu chính phủ một quốc gia có nền kinh tế không ổn định sẽ có xu hướng đặt mệnh giá trái phiếu chính phủ của họ bằng tiền tệ của một quốc gia khác có nền kinh tế ổn định. 
  • Rủi ro vỡ nợ của trái phiếu quốc tế chính phủ được đánh giá bởi các thị trường nợ quốc tế, biểu thị qua lợi suất của trái phiếu. Các trái chủ thường yêu cầu lợi suất cao hơn cho trái phiếu có rủi ro lớn hơn. 

Trái phiếu quốc tế của chính phủ

Trái phiếu quốc tế của chính phủ là trái phiếu chính phủ phát hành ra thị trường quốc tế

Các lần phát hành trái phiếu quốc tế của chính phủ Việt Nam

Việt Nam cho đến hiện nay đã 3 lần phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế. Cụ thể như sau:

Lần phát hành thứ nhất: Năm 2005

Năm 2005 là năm đầu tiên Chính phủ Việt Nam phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường quốc tế. Theo đó, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính đã chính thức phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam tại thị trường chứng khoán New York vào ngày 27/10/2005. 

Lần phát hành này Việt Nam phát hành trái phiếu quốc tế trên thị trường trái phiếu toàn cầu theo phương thức 144A/điều khoản S, nghĩa là khi phát hành không phải đăng ký tại Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), được bán trực tiếp cho một số nhà đầu tư chọn lọc thông qua một đại lý và được nhà quản lý chính bảo lãnh hoàn toàn cho đợt phát hành. 

Đặc điểm của trái phiếu quốc tế 2005 của chính phủ Việt Nam:

Thông tin Mô tả
Ngày phát hành 27/10/2005
Khối lượng phát hành 750 triệu USD
Thời hạn 10 năm
Giá (% so với mệnh giá) 98,223
Lãi suất cố định 6,875%/năm  tính trên giá trị danh nghĩa (lãi suất thực là 7,125%)
Thời gian thanh toán tiền lãi Tiền lãi trái phiếu được thanh toán 6 tháng một lần vào ngày 15/1 và 15/7 hàng năm bằng USD, kỳ trả lãi đầu tiên vào ngày 15/01/2006
Tư vấn pháp lý  Shearman & Sterlings, Bộ Tư pháp, Freshfields (tư vấn cho phía Việt Nam), Phillips Fox (tư vấn cho các ngân hàng bảo lãnh)
Bảo lãnh phát hành Ngân hàng Credit Suisse First Boston của Thụy Sỹ (nay là Ngân hàng Credit Suisse). Bảo lãnh phát hành chính cho Bộ Tài chính theo hợp đồng mua bán trái phiếu ký giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Credit Suisse ngày 27/10/2005
Phương thức phát hành Phương thức 144A/điều khoản S

Lần phát hành đầu tiên này đã đem lại kết quả ngoài sự mong đợi, tạo được tiếng vang trên thị trường vốn quốc tế, bởi thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư châu Âu, châu Á và châu Mỹ.  Số lượng trái phiếu được các nhà đầu tư nắm giữ tính theo khu vực (châu Á 38%, châu Âu 32% và Mỹ 30%). 

Lần phát hành thứ 2: Năm 2010

Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế, ngày 1/6/2007, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP về việc phát hành trái phiếu quốc tế ra thị trường vốn quốc tế với các nội dung:

  • Hình thức phát hành: theo phương thức phát hành trái phiếu toàn cầu và theo quy tắc 144A/Điều khoản S (tương tự đợt phát hành 2005); 
  • Mức phát hành: 1 tỷ USD; 
  • Thời hạn trái phiếu: từ 15 – 20 năm; 
  • Loại ngoại tệ phát hành: USD; 
  • Mục đích phát hành: Sử dụng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam vay lại để thực hiện đầu tư các dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Dự án mua tàu vận tải, Dự án thủy điện Xê Ca Mản 3 và Nhà máy Thủy điện Hủa Na

Tuy nhiên, đến cuối năm 2007, do thị trường quốc tế không thuận lợi, việc phát hành trái phiếu gặp phải rất nhiều khó khăn, khó thành công nên nước ta đã phải tạm ngừng các đợt phát hành trái phiếu quốc tế.

Sau một thời gian chuẩn bị Bộ Tài chính đã chính thức phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam lần thứ hai tại thị trường chứng khoán New York vào ngày 25/1/2010. 

Lần phát hành thứ 2, Việt Nam cũng phát hành trái phiếu quốc tế theo phương thức 144A/ điều khoản S tương tự lần phát hành trước. Các ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành chính là: Barclays Bank PLC (Anh), Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) và Deutsche Bank Securities Inc (Mỹ) theo hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký ngày 22/1/2010 giữa Bộ Tài chính với các ngân hàng đồng bảo lãnh. Ngân hàng Citibank là ngân hàng được chọn làm đại lý thanh toán trái phiếu cho Bộ Tài chính theo hợp đồng đại lý thanh toán đã ký ngày 14/1/2010 giữa Bộ Tài chính và Ngân hàng Citibank. 

Đặc điểm trái phiếu quốc tế 2010 của chính phủ Việt Nam:

Thông tin Mô tả
Ngày phát hành 25/1/2010
Khối lượng phát hành 1 tỷ USD
Thời hạn 10 năm
Giá (% so với mệnh giá) 97,1223
Lãi suất cố định 6,75%/năm
Lợi tức phát hành 6,95% và được giao dịch theo phương thức T+4
Ngân hàng đại lý thanh toán trái phiếu Ngân hàng Citibank
Ngân hàng đồng bảo lãnh phát hành Barclays Bank PLC (Anh), Citigroup Global Markets Inc (Mỹ) và Deutsche Bank Securities Inc (Mỹ) theo hợp đồng mua bán trái phiếu đã ký ngày 22/1/2010 giữa Bộ Tài chính với các ngân hàng đồng bảo lãnh
Phương thức phát hành Phương thức 144A/điều khoản S

Lần phát hành này, cơ cấu các nhà đầu tư tính theo khu vực như sau: có hơn một nửa số trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam được mua bởi các nhà đầu tư đến từ Mỹ (56%), tăng mạnh so với lần phát hành đầu tiên; 28% từ các nhà đầu tư châu Á và 16% từ các nhà đầu tư châu Âu. 

Tính theo lĩnh vực: 73% là các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản, 10% là các quỹ bảo hiểm và hưu trí, 10% là các ngân hàng và 7% là các nhà đầu tư khác. 

Trái phiếu chính phủ quốc tế của Việt Nam

Chính phủ Việt Nam đã 3 lần phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

Lần phát hành thứ ba: Năm 2014

Năm 2014 là năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho việc huy động trái phiếu quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, các tổ chức xếp hạng tín dụng như Moody’s, Standard&Poor và Fitch’s đều nhận định thời gian gần đây nền kinh tế của Việt Nam đã có những cải thiện tích cực. Đặc biệt, việc Fitch’s nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc từ B+ lên BB- và Moody’s nâng từ B2 lên B1 đã góp phần giúp tăng độ hấp dẫn của trái phiếu đối với giới đầu tư trên thị trường quốc tế. 

Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn lãi suất vay nợ trên thế giới có xu hướng giảm do các ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế. 

Do vậy, năm 2014 là thời điểm thuận lợi để Chính phủ phát hành trái phiếu quốc tế nhằm đảo nợ khi thời hạn thanh toán của 2 khoản vay trước đó đang tới gần và tái cấu trúc tỷ lệ nợ công hiện tại.

Đặc điểm của trái phiếu quốc tế năm 2014 của chính phủ Việt Nam:

Thông tin Mô tả
Ngày phát hành 7/11/2014
Khối lượng phát hành 1 tỷ USD
Thời hạn 10 năm
Lãi suất cố định 4,8%/năm
Ngân hàng thanh toán và phân phối trái phiếu Ngân hàng HSBC 
Ngân hàng bảo lãnh phát hành Ngân hàng Deusche Bank, HSBC và Standard Chartered Bank 
Phương thức phát hành Phương thức 144A/điều khoản S

Lần phát hành thứ 3 này tổng giá trị đăng ký mua trái phiếu của Chính phủ trong đợt chào bán này lên đến hơn 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán ra.

Cơ cấu các nhà đầu tư của lần phát hành trái phiếu quốc tế của chính phủ Việt Nam này như sau:

– Trong 437 nhà đầu tư quốc tế tham gia đăng ký mua trái phiếu, có 17% nhà đầu tư châu Á, 28% nhà đầu tư từ châu Âu và 55% nhà đầu tư đến từ châu Mỹ.

– Nếu phân theo đối tượng các nhà đầu tư có:

  • 84% nhà đầu tư là các công ty quản lý quỹ đầu tư
  • 12% nhà đầu tư là các ngân hàng
  • 4% nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.

Đáng chú ý, tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726.626.000 USD, trong đó mua lại 436.452.000 USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290.171.000 USD trái phiếu phát hành năm 2010. 

Việc hoán đổi này góp phần tích cực cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay nợ và giảm đáng kể áp lực về nghĩa vụ trả nợ trong giai đoạn này.

Nhìn chung, các đợt phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ Việt Nam đều có những thành công nhất định.

Có thể thấy phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế là một kênh huy động vốn hữu hiệu với nền kinh tế các nước đang phát triển. Nguồn vốn huy động được sẽ đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ gây ra những tác động ngược, tiêu cực và có những ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia. Do vậy, một vấn đề quan trọng đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế chính phủ à quản lý phân bổ và tính hiệu quả sử dụng của các khoản vay này.