VN30 là gì và cần lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu VN30? Update 11/2024

Với nhiều nhà đầu tư ít am hiểu và mới tìm hiểu về cổ phiếu thì họ thường tìm tới các cổ phiếu VN30 để đầu tư. Họ cho rằng rủi ro khi đầu tư vào các cổ phiếu VN30 là khá an toàn vì các công ty lọt vào danh mục VN30 đều là những doanh nghiệp lớn, uy tín. Tuy nhiên, đây là một quan điểm lỗi thời và không phản ánh đúng thực tế. Vậy VN30 là gì và bạn cần lưu ý gì khi đầu tư vào các cổ phiếu VN30?

VN30 là gì và lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu VN30

VN30 là gì và lưu ý gì khi đầu tư cổ phiếu VN30

VN30 là gì?

VN30 là danh sách gồm 30 cổ phiếu được niêm yết trên sàn HSX, có giá trị vốn hoá và tính thanh khoản hàng đầu thị trường. Nhóm doanh nghiệp này tùy từng thời điểm thường chiếm khoảng 70% – 80% vốn hóa của toàn bộ thị trường chứng khoán Việt Nam. Về quy mô giao dịch thì đây cũng là nhóm những cổ phiếu có tính thanh khoản cao, khối lượng và giá trị khớp lệnh hàng ngày rất lớn, thường chiếm tới hơn 50% tổng giá trị giao dịch hàng ngày trên HSX.

Nhóm VN30 và chỉ số VN30-Index

Dựa trên nhóm 30 doanh nghiệp này, Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSX) lập ra và đưa vào cách tính chỉ số VN30-Index, bắt đầu từ ngày 06/02/2012. Đây là chỉ số hiện nay được một số Quỹ ETF sử dụng làm chỉ số tham chiếu, ví dụ như Quỹ ETF VFMVN30, QUỸ ETF SSIAM VN30.

Chỉ số VN30-Index hiện cũng là chỉ số được sử dụng trong các giao dịch chứng khoán phái sinh trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cách tính chỉ số VN30-Index

Tương tự như chỉ số VN-Index được dùng để phản ánh quy mô phát triển của thị trường, cách tính chỉ số VN30-Index cũng tương tự như cách tính chỉ số VN-Index:

VN30-Index = Giá trị vốn hóa thị trường hiện tại/ Giá trị vốn hóa thị trường cơ sở​

Trong cách tính chỉ số VN30-Index, giá trị vốn hóa hiện tại của từng cổ phiếu trong rổ VN30 sẽ được điều chỉnh giảm theo hai tiêu chí là:

+ Tỉ lệ free-float: là tỉ lệ cổ phiếu sẵn sàng/tự do chuyển nhượng trên thị trường. Tỉ lệ free-loat (f) = (Khối lượng cổ phiếu lưu hành – Khối lượng không tự do chuyển nhượng)/Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành

+ Giới hạn tỷ trọng vốn hóa tối đa của một cổ phiếu trong rổ chỉ số tại thời điểm tính toán.

Hai sự điều chỉnh này mục đích để làm giảm ảnh hưởng của các cổ phiếu có thanh khoản quá ít/ có vốn hóa quá lớn có thể bị sử dụng để kéo chỉ số tăng/giảm. Hiện nay, các doanh nghiệp nằm trong rổ VN30 có vốn hóa giao động từ 7.600 tỷ (TCH) đến hơn 300.000 tỷ (VCB, VIC).

Tiêu chuẩn lựa chọn cổ phiếu vào VN30

Các cổ phiếu cần đáp ứng các tiêu chí về vốn hóa, thanh khoản, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, thời gian niêm yết và được lựa chọn khá nghiêm ngặt vào danh mục VN30. Tuy nhiên, do tiêu chí lựa chọn các cổ phiếu này đều là định lượng mà không có yếu tố định tính nên vẫn có những cổ phiếu như ROS lọt vào danh mục VN30 trong một thời gian dài.

Tiêu chí về vốn hóa: Các cổ phiếu niêm yết trên HSX đủ điều kiện tham gia chỉ số VN30 được sắp xếp theo thứ tự giảm dần theo giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân trong 06 tháng chưa điều chỉnh free-float. Trên cơ sở các cổ phiếu được lọc thỏa mãn tiêu chí vốn hóa, HSX sẽ sàng lọc tiếp theo tiêu chí về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng.

Tiêu chí free-float: Các cổ phiếu có tỷ lệ free-float quá thấp dưới 5% sẽ bị loại. Những cổ phiếu khác sẽ được lựa chọn và được coi là thỏa mãn tiêu chí về tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng khi free-float đạt trên 5%.

Tiêu chí thanh khoản: Các cổ phiếu sẽ được sắp xếp theo thứ tự giảm dần về giá trị giao dịch hàng ngày bình quân trong 6 tháng để có dữ liệu về thanh khoản.

Tiêu chí thời gian niêm yết: Cách lọc cổ phiếu vào danh mục VN30 có sử dụng dữ liệu giao dịch 6 tháng gần nhất nên các doanh nghiệp niêm yết chưa đủ 6 tháng sẽ không đạt tiêu chí lọt vào danh mục VN30.

Đầu tư các cổ phiếu VN30 cần chú ý gì?

Hiện nay, danh mục cổ phiếu VN30 chủ yếu bao gồm các ngân hàng và công ty bất động sản. Lý do bởi trong số các doanh nghiệp niêm yết thì ngân hàng và ngành bất động sản đang chiếm một tỷ trọng rất lớn. Những ngành này cũng tập trung những doanh nghiệp vốn hóa lớn niêm yết nên nó chiếm nhiều trong rổ VN30 cũng là điều dễ hiểu.

Là một nhà đầu tư cá nhân, tôi không quan tâm quá nhiều tới cách tính chi tiết chỉ số VN30-Index. Tuy nhiên, sự tăng giảm của chỉ số này thường phản ánh mức độ đắt rẻ (nói chung) của cổ phiếu trên thị trường. Lý do là các cổ phiếu trong danh mục VN30 thường là những cổ phiếu dẫn dắt, ảnh hưởng chính tới thị trường chung.

Tuy vậy, ngay cả những lúc thị trường chung đắt thì vẫn có những cổ phiếu rẻ và ngược lại, có những lúc thị trường lao dốc sâu và vẫn có những cổ phiếu đắt.

Cổ phiếu VN30 thường đắt hơn thị trường chung

Nhóm các cổ phiếu trong rổ VN30 thường nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư (ngay cả nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư nghiệp dư), nên giá cổ phiếu trong danh mục VN30 thường đắt hơn thị trường chung. Tiêu chí đắt rẻ ở đây, tôi đang nói là tính theo các chỉ số P/E và P/B.

Cổ phiếu VN30 không hẳn ít rủi ro như nhiều nhà đầu tư nghĩ

Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thường nghĩ rằng đầu tư vào các cổ phiếu VN30 là an toàn vì các doanh nghiệp này là những công ty lớn, làm ăn có lãi. Thực tế không phải vậy, nhiều công ty trong danh mục VN30 vay nợ rất nhiều, hoạt động trong những ngành kinh doanh đầy rủi ro. Bên cạnh đó, có những công ty lọt rổ VN30 vào đúng thời hoàng kim của họ rồi mau chóng bị loại ra khỏi danh mục này sau 1-2 năm do kinh doanh đi xuống. Vì vậy, cổ phiếu VN30 không hẳn an toàn như bạn nghĩ đâu, đặc biệt là khi giá lại thường cao hơn thị trường chung.

Tư duy đúng khi đầu tư cổ phiếu VN30

Bạn đừng coi cổ phiếu VN30 có gì khác biệt so với các cổ phiếu khác, không vì nó lọt rổ VN30 mà sẵn sàng trả giá cao hơn so với các cổ phiếu không lọt rổ VN30. Hãy đánh giá doanh nghiệp dựa trên triển vọng tương lai, tình hình tài chính, mức giá mà bạn trả để mua cổ phiếu…Với tôi, khi áp dụng các tiêu chí đánh giá thông thường vào các cổ phiếu VN30 tôi thường thấy nó trở nên quá đắt so với các cơ hội đầu tư khác ở các doanh nghiệp không nằm trong rổ chỉ số.