Vốn đầu tư công là gì?
Vốn đầu tư công là nguồn vốn sử dụng cho hoạt động đầu tư công. Theo Khoản 15, Điều 4 Luật Đầu tư công 2014, đầu tư công được giải thích như sau: “Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội”.
Như vậy hiểu một cách đơn giản, vốn đầu tư công chính là nguồn vốn do ngân sách Nhà nước chi ra để đầu tư vào các kế hoạch, dự án xây dựng, các công trình hạ tầng và dự án chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội… nhằm mục đích phục vụ cho lợi ích của nhân dân và cộng đồng.
Vốn đầu tư công phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội
Đặc điểm của vốn đầu tư công
Vốn đầu tư công có các đặc điểm nổi bật như sau:
- Vốn đầu tư công theo hoạt động đầu tư của nhà nước. Đây là nguồn vốn của ngân sách nhà nước, được Nhà nước thực hiện cho các dự án cho Nhà nước quyết định
- Vốn đầu tư công là nguồn vốn dùng phục vụ cho các dự án để phát triển kinh tế – xã hội
- Vốn đầu tư công bao gồm nhiều nguồn vốn khác nhau, căn cứ theo Điều 4, Luật Đầu tư công 2014
Vốn đầu tư công gồm những nguồn nào?
Căn cứ theo Khoản 21, Điều 4, Luật Đầu tư công 2014, vốn đầu tư công bao gồm các nguồn sau đây:
- Vốn ngân sách nhà nước
- Vốn công trái quốc gia
- Vốn trái phiếu Chính phủ
- Vốn trái phiếu chính quyền địa phương
- Vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)
- Vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài
- Vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước
- Vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước
- Các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư.
Còn theo Khoản 22, Điều 4, Luật Đầu tư công 2019, vốn đầu tư công bao gồm:
- Vốn ngân sách nhà nước;
- Vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư theo quy định của pháp luật.
Phân loại vốn đầu tư công
Vốn đầu tư công được phân thành các loại sau đây:
- Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước: Đây là nguồn vốn đầu tư không phải hoàn lại mà Nhà nước dành cho các dự án xây dựng kinh tế hạ tầng nhằm bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực. Vai trò của vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước chính là giúp ổn định tình hình và thúc đẩy tăng trưởng nền kinh Việt Nam.
- Vốn tín dụng đầu tư: Đây là nguồn vốn cho vay của Nhà nước với mức ưu đãi hợp lý. Theo đó, chính phủ có thể cho vay với lãi suất bằng nguồn vốn đầu tư ODA hoặc vốn tự do để đầu tư vào những dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên.
- Vốn vay trong nước và nước ngoài: Đây là nguồn vốn đối với những dự án đầu tư trong nước. Trong đó nguồn vốn trong nước có thể từ trái phiếu địa phương hoặc trái phiếu chính phủ
- Vốn đầu tư từ các doanh nghiệp nhà nước: Đây là nguồn vốn đến từ các khoản thu có lợi nhuận, vốn từ ngân sách nhà nước đã cung cấp cho doanh nghiệp hay vốn vay của doanh nghiệp được bảo lãnh bởi Nhà nước. Nguồn vốn này có vài trò quan trọng, hỗ trợ lớn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Quản lý vốn đầu tư công
Căn cứ theo Điều 12, Luật Đầu tư công 2019, việc quản lý vốn đầu tư công cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.
- Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.
- Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Tình hình vốn đầu tư công tại Việt Nam
Tại Việt Nam đầu tư công được xem là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội. Vốn đầu tư công tại Việt Nam bao gồm: Vốn đầu tư thuộc NSNN; vốn trái phiếu chính phủ; vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch nhà nước; vốn vay từ các nguồn khác (của khu vực nhà nước) và vốn đầu tư của DN nhà nước (vốn tự có). Trong đó, vốn đầu tư thuộc NSNN chiếm tỷ trọng lớn và quan trọng nhất.
Trong năm 2020 nền kinh tế chịu nhiều tác động của dịch bệnh, đầu tư công đóng vai trò không chỉ là “vốn mồi” mà còn là nguồn vốn quan trọng, hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng. Hiện nay để tiếp tục phát huy vai trò vốn đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã chú ý hơn nữa đến vấn đề triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Theo thông tin ghi nhận trên Tạp chí Tài chính, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 nên nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài đều sụt giảm, đầu tư công đã trở thành nguồn lực quan trọng giúp kinh tế tránh nguy cơ suy thoái. Trong bối cảnh này chính phủ đã đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công kích cầu đầu tư, thúc đẩy sản xuất nội địa, tạo việc làm và duy trì đà tăng trưởng kinh tế. Năm 2020 kết quả giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam đạt cao nhất giai đoạn 2016 – 2020, tăng 14,5% so với năm 2019, với số tiền giải ngân ước đạt 466.6 nghìn tỷ đồng.
Tốc độ tăng vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 11 tháng so với cùng kỳ năm trước các năm giai đoạn 2011 – 2020 (Nguồn ảnh: Tổng cục Thống kê)
Trong năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ nước ta quan tâm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, trong đó tập trung chủ yếu vào ba nhóm:
- Rà soát hệ thống pháp luật về ngân sách, đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công
- Khẩn trương hoàn thiện công việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 cho các dự án;
- Tổ chức thực hiện dự án nhằm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020.
Có thể thấy đầu tư công năm 2020 đã từ nguồn vốn “mồi” chuyển thành nguồn lực chính để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong đại dịch Covid -19. Bởi vậy đẩy nhanh giải ngân đầu tư công là giải pháp hết sức cần thiết, trước mắt là góp phần kích cầu thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để đáp ứng những nhu cầu cho hoạt động đầu tư công, sau đó là tạo sự lan tỏa “niềm tin” trong toàn bộ nền kinh tế.
Trong 5 năm tới (2021 – 2025) Thủ tướng Chính phủ dự kiến tổng mức vốn ngân sách dự kiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn này sẽ là 2,87 triệu tỉ đồng, tăng 120.000 tỉ đồng so với dự kiến trước đó.
Trước đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi tờ trình dự kiến tổng ngân nhà nước đầu tư công trung hạn 2021 – 2025 là 2,75 triệu tỷ đồng, trong đó 1,38 triệu tỷ đồng vốn ngân sách trung ương, 1,37 triệu tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Trong 1,38 triệu tỷ đồng ngân sách trung ương có 1,08 triệu tỷ đồng vốn trong nước, 300.000 tỷ đồng vốn vay nước ngoài.
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, một lãnh đạo Bộ KH-ĐT cho hay, nguồn vốn đầu tư công sẽ tập trung đầu tư vào các dự án có tính chất “quả đấm thép”, dự án quan trọng quốc gia, dự án lớn liên vùng, có tác động lan tỏa; các dự án chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Trong trong 5 năm 2021 – 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ bố trí nguồn vốn đầu tư công để hoàn thành 13 dự án thành phần của tuyến đường bộ ven biển, với đoạn tuyến Quảng Ninh – Nghệ An dài 307km, các đoạn tuyến khu vực miền Trung, Tây Nam Bộ khoảng 396km.
Bên cạnh đó cũng sẽ có kế hoạch giảm 1.050 dự án trong dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và dự kiến sẽ tiếp tục rà soát để cắt giảm các dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả.
Có thể thấy đối với nền kinh tế của một quốc gia, nguồn vốn đầu tư công đóng một vai trò quan trọng. Không thể phủ nhận nguồn vốn đầu tư công đã góp phần thúc đẩy, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế có nhiều tác động tiêu cực, cụ thể như tác động của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.