Vốn đầu tư là gì? Sự khác nhau giữa vốn đầu tư và vốn điều lệ Update 11/2024

Vốn đầu tư là gì?

Về mặt quy định pháp luật, thuật ngữ vốn đầu tư được giải thích theo Khoản 23, Điều 3, Luật Đầu tư 2020 như sau:

23. Vốn đầu tư là tiền và tài sản khác theo quy định của pháp luật về dân sự và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh”.

Hiểu một cách đơn giản nhất, vốn đầu tư là toàn bộ số tiền (chi phí) mà một nhà đầu tư bỏ ra để thực hiện các hoạt động đầu tư đã được lên kế hoạch từ trước. Số tiền này có thể được huy động từ các cá nhân, tổ chức trong nước hoặc nguồn tài trợ, đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài (vốn đầu tư FDI)

Vốn đầu tư trong tiếng Anh là Capital Investment.

Vốn đầu tư được hiểu như thế nào?

Vốn đầu tư là tổng tiền bỏ ra cho một dự án đầu tư cụ thể

Đặc điểm của vốn đầu tư

Về cơ bản vốn đầu tư sẽ có các đặc điểm nổi bật như sau:

  • Vốn đầu tư rất linh hoạt, mỗi dự án đầu tư sẽ có nguồn vốn khác nhau, cho nên doanh nghiệp khi tiến hành từng dự án đầu tư thì vốn đầu tư sẽ là riêng biệt
  • Vốn đầu tư có thể giúp các nhà đầu tư thu về khoản lợi nhuận thông qua các dự án đầu tư
  • Các doanh nghiệp đầu tư bắt buộc phải góp đủ số vốn tối thiểu trong vốn pháp định hoặc vốn điều lệ của công ty nhận đầu tư để có thể thực hiện các quyền kiểm soát hoặc tham gia vào hoạt động kinh doanh của công ty nhận đầu tư.
  • Vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư từ nước ngoài đều phải tuân thủ các vấn đề về hành lang pháp lý tại nước nhận đầu tư. Hầu hết các nước nhận đầu tư hiện nay đều có những quy định cụ thể đối với các vấn đề pháp lý liên quan đến vốn đầu tư nhằm thu hút vốn đầu tư cũng như tạo ra động lực để thúc đẩy nền kinh tế nói chung.
  • Phần trăm góp vốn đầu tư của các doanh nghiệp sẽ tương ứng với tỷ lệ các quyền và nghĩa vụ mà các bên được hưởng, đồng thời cũng là các rủi ro từ hoạt động đầu tư mà các bên sẽ phải gánh chịu.
  • Tất cả các hoạt động đầu tư được diễn ra trên nguyên tắc tự nguyện nên các chủ đầu tư phải tự chịu trách nhiệm về lỗ – lãi từ hoạt động kinh doanh thông qua vốn đầu tư mình đã bỏ ra.
  • Các nhà đầu tư (doanh nghiệp hay cá nhân) có thể góp vào vốn đầu tư một phần hoặc toàn bộ để thực hiện hoạt động đầu tư

Công thức tính vốn đầu tư 

Vốn đầu tư có thể được xác định dựa theo công thức sau đây:

V = GXD + GTB + GBT, TĐC + GQLDA + GTV + GK + GDP       

Trong đó:

  • V : tổng mức đầu tư của  dự án đầu tư xây dựng công trình;
  • GXD : chi phí xây dựng;
  • GTB : chi phí thiết bị;
  • GBT, TĐC: chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
  • GQLDA: chi phí quản lý dự án;
  • GTV : chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
  • GK : chi phí khác;
  • GDP : chi phí dự phòng.

Phân loại vốn đầu tư

Vốn đầu tư thông thường được phân loại thành 2 loại như sau:

Vốn đầu tư cơ bản

Vốn đầu tư cơ bản hay còn được gọi là vốn đầu tư xây dựng cơ bản chính là toàn bộ số tiền vốn dành cho việc tái sản xuất cơ bản và tái sản xuất mở rộng tài sản cố định.

Vốn đầu tư cơ bản sẽ bao gồm:

  • Vốn đầu tư xây lắp (vốn xây lắp): Chính là số tiền vốn dành để đầu tư cho công tác xây dựng và lắp đặt thiết bị, máy móc như: vốn đầu tư xây dựng mới, mở rộng và xây dựng lại nhà cửa, vật kiến trúc; vốn đầu tư để lắp đặt thiết bị, máy móc…
  • Vốn đầu tư mua sắm trang thiết bị: Số tiền vốn dành cho việc mua sắm các trang thiết bị, máy móc, công cụ, khí cụ…
  • Vốn đầu tư cơ bản khác: Số tiền vốn dành cho việc đầu tư các vấn đề khác như giải phóng mặt bằng xây dựng, đền bù dự án, chi phí cho bộ máy quản lý của ban kiến thiết, chi phí cho xây dựng công trình tạm…

Vốn đầu tư phát triển

Vốn đầu tư phát triển chính là tổng chi phí bỏ ra để thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm tăng thêm tài sản tài chính (tiền vốn); tài sản vật chất (nhà máy, thiết bị, vật tư, nguyên, nhiên, vật liệu, hàng hoá, cầu cống, đường xá); tài sản trí tuệ và nguồn nhân lực (trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, trình độ khoa học kỹ thuật).

Vốn đầu tư phát triển cơ bản sẽ bao gồm:

  • Vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn tài sản cố định;
  • Vốn lưu động bổ sung; 
  • Vốn đầu tư phát triển khác.

Ưu – nhược điểm của vốn đầu tư

Vốn đầu tư có nhiều ưu điểm nổi bật nhưng cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định đối với nhà đầu tư. Cụ thể như sau: 

Ưu điểm:

  • Vốn đầu tư rất linh hoạt, mỗi dự án đầu tư khác nhau sẽ có vốn đầu tư khác nhau. Để dự án đầu tư hoạt động ổn định, nhà đầu tư có thể góp vào vốn đầu tư một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của doanh nghiệp bên cạnh các nguồn vốn huy động đầu tư khác.
  • Vốn đầu tư sẽ do đối tượng (cá nhân hoặc doanh nghiệp) thực hiện hoạt động đầu tư quyết định. Điều này giúp họ phát huy được thế mạnh cũng như hiệu quả đầu tư.

Nhược điểm: Phần lớn nguồn vốn đầu tư đều là một khoản đầu tư lớn, chiếm tỷ lệ gần như là tuyệt đối trong các dự án. Cho nên các nhà đầu tư nhỏ lẻ bị hạn chế quyền quyết định khi thực hiện các dự án dự án. Vấn đề này có thể gây ra một số khó khăn, bất lợi đối với các nhà đầu tư ở thị trường trong nước, có thể xảy ra tình trạng độc chiếm thị trường của những doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư từ nước ngoài.

Ưu nhược điểm của vốn đầu tư

Vốn đầu tư có nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại một số hạn chế nhất định

So sánh vốn đầu tư và vốn điều lệ

Vốn đầu tư và vốn điều lệ là hai thuật ngữ được dùng bổ biến trong hoạt động kinh doanh. Rất nhiều người nhầm lẫn vốn đầu tư chính là vốn điều lệ, tuy nhiên về cơ bản vốn đầu tư và vốn điều lệ có sự khác nhau. Bảng dữ liệu so sánh sau đây sẽ giúp bạn nắm rõ điểm giống và khác nhau giữa vốn đầu tư và vốn điều lệ để dễ dàng phân biệt:

Tiêu chí so sánh Vốn đầu tư Vốn điều lệ
Giống nhau Cả hai loại vốn đều là tài sản hoặc tiền mặt do các nhà đầu tư sử dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm thu về lợi nhuận
Khác nhau
Bản chất Là tổng chi phí (tiền mặt và tài sản) để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh Là tổng giá trị tài sản do các thành viên đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng giá trị mệnh giá cổ phần đã bán hoặc đã được đăng ký mua khi thành lập doanh nghiệp đối với công ty cổ phần (Căn cứ theo Luật doanh nghiệp 2020)
Văn bản thể hiện Thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và gắn liền với những dự án đầu tư cụ thể. Số vốn điều lệ được ghi cụ thể vào bản điều lệ của công ty và cũng thể hiện trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Hình thức góp vốn Được góp bởi chính nhà đầu tư, do nhà đầu tư huy động từ nguồn vốn trong nước hoặc nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư. Nhà đầu tư mua hoặc sở hữu cổ phần hay cổ phiếu của công ty cổ phần hoặc góp vốn trực tiếp vào công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh.
Số vốn Mỗi dự án ghi nhận một số vốn đầu tư đầu tư riêng biệt. Doanh nghiệp được quyền có nhiều dự án khác nhau

– Đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề bình thường: Pháp luật không quy định vốn điều lệ tối thiểu hay tối đa bao nhiêu

– Đối với doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật yêu cầu vốn pháp định: Doanh nghiệp phải đăng ký mức vốn điều lệ tối thiểu phải bằng với mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó

Thời hạn góp vốn Với dự án thành lập mới, thời hạn góp vốn của nhà đầu tư được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thường đúng bằng thời hạn góp vốn điều lệ là 90 ngày, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức thực hiện dự án. Thời hạn góp vốn trong thời gian 90 ngày, kể từ ngày cấp Giấy nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và được ghi nhận tại Điều lệ của doanh nghiệp.
Đăng ký vốn Đăng ký theo dự án đầu tư. Nhà đầu tư có thể tăng vốn góp vào dự án bất kỳ lúc nào mà không cần thiết phải tăng vốn điều lệ. Đăng ký theo quy mô và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp

Như vậy, vốn đầu tư là tất cả các nguồn lực mà nhà đầu tư bỏ ra để đầu tư sinh lời thông qua một dự án đầu tư cụ thể. Nguồn vốn này có sự linh hoạt, tùy thuộc vào từng lĩnh vực dự án đầu tư cụ thể. Mỗi doanh nghiệp khi tiến hành thực hiện dự án thì sẽ đòi hỏi số vốn đầu tư là khác nhau, do vậy không được đồng nhất vốn đầu tư là vốn điều lệ của doanh nghiệp. Hy vọng với những thông tin trên đây các bạn đã nắm được đặc điểm của vốn đầu tư, phân biệt được vốn đầu tư và vốn điều lệ. Từ đó có thêm dữ liệu thông tin phục vụ cho các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh đầu tư.