Ngân hàng nào lãi cao nhất trong quý 3/2021? Update 11/2024

Theo báo cáo tài chính các ngân hàng công bố, 9 tháng đầu năm 2021, “ông lớn” Vietcombank vẫn giữa nguyên ngôi vị quán quân lợi nhuận ngân hàng khi ghi nhận lãi trước thuế hơn 19.300 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Vietcombank cho thấy, quý 3/2021 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Vietcombank đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Vietcombank chính là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong quý 3/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận của Vietcombank đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận này ghi nhận sự tăng trưởng tích cực ở hầu hết các mảng kinh doanh. Cụ thể:

  • Thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm của Vietcombank đạt 31.605 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2020.
  • Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 41,1% đạt 4.993 tỷ đồng.
  • Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 8% đạt 3.202 tỷ.
  • Hoạt động mua bán chứng khoán có lãi 118 tỷ trong khi cùng kỳ bị lỗ 14,5 tỷ đồng.
  • Lãi từ hoạt động khác đạt 1.823 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Lợi nhuận ngành ngân hàng

Vietcombank vẫn giữa vững ngôi quán quân lợi nhuận ngân hàng

Về chi phí hoạt động, 9 tháng đầu năm chi phí hoạt động của Vietcombank là 14.518 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ. Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập giảm từ 36,4% xuống 34,7%.

Về chi phí dự phòng: 9 tháng đầu năm 2021 Vietcombank tăng chi phí dự phòng lên 8.012 tỷ đồng, tăng 33% so với 9 tháng đầu năm 2020.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của Vietcombank ghi nhận con số là 19.311 tỷ đồng. Lãi sau thuế là 15.471 tỷ đồng.

Những ngân hàng tiếp theo nằm trong nhóm các ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng bao gồm:

  • VietinBank: lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 13.911 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020
  • MBbank: lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 lần lượt đạt 11.885 tỷ đồng, tăng 46,1% so với cùng kỳ năm 2020
  • VPBank: Lãi trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020
  • BIDV: Lãi trước thuế đạt 10.733 tỷ đồng
  • ACB: Lãi trước thuế đạt 8.968 tỷ đồng
  • HDBank: Lãi suất thuế đạt 6.085 tỷ đồng
  • VIB: Lãi trước thuế đạt 5.339 tỷ đồng
  • SHB: Lãi trước thuế đạt 5.055 tỷ đồng

Khảo sát chung cho thấy, nếu 9 tháng đầu năm 2020 ngân hàng báo lãi trên 10.000 tỷ đồng chỉ có 3 ngân hàng thì quý 3/2021, con số này đã tăng lên 6. Trong đó đáng chú ý là sự lao hạng bất ngờ của SHB. Lợi nhuận của ngân hàng này đạt 5.055 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Con số tăng trưởng này đã giúp SHB lọt vào top 10 ngân hàng báo lãi cao trong quý 3/2021.

Tuy nhiên, cũng có một số ngân hàng đã rời top 10 như TPBank, lợi nhuận chỉ đạt hơn 4.300 tỷ đồng, đứng sau SHB.

Nợ xấu ngân hàng

Lợi nhuận tăng nhưng nợ xấu cũng tăng cao

Dù con số lợi nhuận gia tăng nhưng ngành ngân hàng trong quý 3/2021 lại ghi nhận nợ xấu cao. Nợ xấu tăng cao không chỉ tại các ngân hàng lớn mà còn tại những ngân hàng nhỏ. Cụ thể:

  • Vietinbank: Báo cáo tài chính quý 3/2021 của Vietinbank cho thấy, ngân hàng này ghi nhận nợ xấu tăng thêm 40% trong quý 3 vừa rồi so với cùng kỳ năm trước, lên 1.243 tỷ đồng, và so với đầu năm đã tăng gần 60%. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 275% và 159% trong 9 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) cũng tăng 9% lên 653 tỷ đồng.
  • Vietcombank: Nợ xấu của Vietcombank tăng gấp đôi trong 9 tháng đầu năm 2021 lên 10.884 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, gấp 14 lần cùng kỳ lên 3.122 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 44,8% lên 6.279 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 122% lên 1.483 tỷ đồng.
  • MBBank: Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của MB ở mức 3.186 tỷ đồng, tăng 26% so với 3 tháng trước đó. Nợ xấu tăng trở lại trong quý 3 của MB đến từ nợ nhóm 5 và nợ nhóm 4, lần lượt tăng 51,3% và 37,2%. Tuy nhiên, nhờ diễn biến tích cực 2 quý trước, nợ xấu của ngân hàng cuối tháng 9 vẫn thấp hơn 1,9% so với đầu năm. Đồng thời, nhờ tổng dư nợ cho vay tăng mạnh 12,8% nên tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ 1,09% (đầu năm) xuống còn 0,95% (cuối tháng 9).
  • ACB: Tại ngày 30/9/2021, nợ xấu của ngân hàng là 2.822 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối quý 2 và tăng 53% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh nhất, lần lượt tăng 201% và 76% trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ACB tăng từ 0,6% lên 0,85%.

Có thể thấy dù chịu tác động của dịch bệnh nhưng về cơ bản lợi nhuận ngân hàng vẫn không phải là bức tranh quá xạm xịt. Còn về nợ xấu, trước đó ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% – 7,7% lên xấp xỉ 8%.