Mới đây, Chính phủ đã ban hàng Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Trong đó, đánh chú ý có nội dung quy định: Khi kêu gọi từ thiện, cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận.
Ngoài ra, phải có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.
Nghị định mới cũng quy định, cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.
Khi vận động, kêu gọi từ thiện cá nhân phải mở tài khoản riêng tại ngân hàng
Cũng theo Nghị định 93, khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản, địa điểm tiếp nhận, thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.
Đối với Ủy ban nhân dân cấp xã, phải có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.
Nghị định 93/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 11/12.
Việc ra đời nghị định mới này theo nhiều người đánh giá là hoàn toàn phù hợp và cần thiết, nhất là khi vấn đề từ thiện và sao kê tài khoản từ thiện đang gây xôn xao và nhận được sự quan tâm trong thời gian gần đây.
Nhiều người ý kiến, những điều được luật hóa như Nghị định 93/2021 sẽ tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức có tấm lòng thiện nguyện được đóng góp sức mình. Đồng thời cũng tránh được những tai tiếng không đáng có, đặc biệt số tiền mà các nhà hảo tâm, cộng đồng quyên góp sẽ đến được tay người cần hỗ trợ. Có thể thấy, Nghị định 93 được xem là “bộ khung pháp lý” khá rõ ràng về vấn đề từ thiện.